HÌNH SỰ: 5 CÁCH ĐỂ BỊ CAN LÀ CHUYÊN GIA,NHÀ QUẢN LÝ GIẢM TỘI

HÌNH SỰ: 5 CÁCH ĐỂ BỊ CAN LÀ CHUYÊN GIA,NHÀ QUẢN LÝ GIẢM TỘI
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Khi chuyên gia,nhà quản lý thành bị can,kiến thức chuyên môn có thể giúp họ giảm tội nếu biết vận dụng
    Khi chuyên gia,nhà quản lý thành bị can,kiến thức chuyên môn có thể giúp họ giảm tội nếu biết vận dụng
      Chúng ta đang chứng kiến nhiều đại án được điều tra, xét xử. Những vụ án trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản. Đứng trước tòa là thành phần đa dạng. Có cựu bộ trưởng, tướng công an, giáo sư y khoa, doanh nhân tiêu biểu, lái xe, cựu thợ nhôm kính... Không ít người là chuyên gia trong một lĩnh vực: kỹ sư công trình, nhà quản lý, đấu giá viên…
     Có thực tế là: Người buộc tội – điều tra viên, kiểm sát viên – có kiến thức khó lòng có thể nói là sâu sắc về tài chính, ngân hàng, xây dựng, xuất nhập khẩu, đấu thầu...Tuy nhiên, họ vẫn có thể buộc được tội các chuyên gia, kỹ sư, bác sỹ, giám đốc ngân hàng, đấu giá viên... tại những lĩnh vực mà các chuyên gia tưởng chừng như vô đối. Loại bỏ những đồn đại kiểu như án đã có chỉ đạo, kiểu gì cũng phải kết tội thì tại tòa, đa phần các chuyên gia đều thừa nhận mình có sai sót. Vậy là xong! Khi sai sót được thừa nhận, người buộc tội chỉ việc giở luật. Luật thì thiệt hại 50 triệu đồng, có khi 2 triệu đã thành tội. Hoặc thậm chí chẳng cần mất đồng nào, chỉ cần chỉ ra là có làm.
     Tại sao người chuyên nghiệp lại bị dân a – ma – tơ dồn ép đến vậy? Câu trả lời có thể là:
-Họ có làm, muốn chối không được.
-Họ không chỉ ra được là trong lĩnh vực của họ, việc làm đó là bình thường. Họ đã làm việc đó với ý thức khác xa ý thức kẻ phạm tội, biết đó là sai nhưng vẫn làm.
     Ai đó sẽ hỏi: Tại sao lại phải “ chỉ ra “ tôi vô tội, trong khi luật định công an phải chứng minh được tôi có tội? Đây là nguyên tắc suy đoán vô tội nổi tiếng, chúng minh tội phạm là nghĩa vụ cơ quan điều tra. Nó được dạy trong trường luật. Có điều, do quá tin nguyên tắc này, một số luật sư bảo vệ khách hàng kiểu đỡ đòn, cứ để cơ quan điều tra làm, luật sư chỉ ra cái sai khi ra tòa. Do vậy cơ hội đảo ngược tình thế bị bỏ qua. Hãy hình dung trận đấu bốc. Một bên đánh liên tục. Bên kia chỉ né và đỡ. Né đòn này thì dính đòn kia. Bạn có thể biết bên nào bầm dập và kết cục trận đấu là thế nào.
Cũng phải nhìn nhận là người buộc tội – các điều tra viên, kiểm sát viên – không mấy xét đến thực tiễn các hoạt động kinh doanh, quản lý, điều hành. Lấy ví dụ vụ chết người do chạy thận tại bệnh viện Hòa Bình. Các bác sỹ là những nhà chuyên môn, nắm rõ quy trình chạy thận. Đã hình thành sự phân công tự nhiên, mỗi người làm phần việc của mình. Khi sự việc xảy ra, chỉ cần xác định sai sót ở khâu nào, ai phải chịu trách nhiệm khâu đó, là có thể quy tội. Buộc một người như bác sĩ Lương phải chịu trách nhiệm cho việc anh không làm đã chuẩn xác chưa?
     Tuy vậy, chuyên gia, nhà quản lý phần nào “ đóng góp “ vào thành công của việc buộc tội chính họ. Đầu tiên là trong cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, bệnh viện... của họ thiếu cơ bản các bộ quy trình, quy chế, sổ tay tác nghiệp, quyết định phân công... Những thứ nói trên hoàn toàn có thể được một luật sư chắp bút. Rồi nữa, khi làm việc với công an, kiểm sát, tòa án, chuyên gia, nhà quản lý không nắm rõ được mình đang bị quy tội gì?, để kết tội, người ta phải chứng minh những gì?. Một số trường hợp khi bị điều tra, các chuyên gia, nhà quản lý thường không chú tâm trình bày thực tế vận hành của tổ chức. Họ cũng ít dành thời gian giải thích các vấn đề chuyên môn cho công an hiểu. Nếu có, việc giải thích của họ quá dài dòng với những thuật ngữ chuyên ngành mà người ta không muốn nghe...
     Khi bị quy tội liên quan đến hoạt động chuyên môn, bị can – người quản lý, chuyên gia – nên biết cách chủ động đối phó. Một số cách thức có thể tham khảo:
1.Khi được triệu tập, hiểu chuyện gì có thể xảy ra. Luật sư của chuyên gia sẽ giúp việc này. Luật sư xác định được hướng điều tra, tội danh có thể bị quy. Đây là định hướng ban đầu cho bước đi tiếp theo.
2.Nên có phương án bào chữa. Dùng kiến thức chuyên môn để trình bày theo hai hướng: “ Tôi không làm việc đó “ hoặc “ Việc đó là bình thường trong lĩnh vực của tôi “. Giải thích tại sao. Phương án bào chữa, cách trình bày tại công an cần có sự tham gia của luật sư.
3.Trong quá trình điều tra, nên yêu cầu đối chất để làm rõ vai trò của mình, yêu cầu giám định làm rõ hậu quả. Nếu giám định, đưa ra yêu cầu cụ thể, ví dụ: xác định hành động đó có gây ra hậu quả không? ngoài ra còn yếu tố nào nữa? Sẵn sàng có ý kiến khi có kết luận giám định.
4.Yêu cầu chuyên gia giám định ra tòa để giải thích kết luận giám định, cũng là dịp để luật sư, chính bị cáo là chuyên gia đặt câu hỏi.
5.Nắm thông tin vụ việc. Tận dụng quyền bị can để biết thông tin buộc tội, lời khai người khác về mình, đề nghị đối chất với bị can khác và có câu hỏi đặt ra cho bị can khác khi được đối chất.