HÌNH SỰ: 4 CÁCH ĐỂ NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ ĐƯỢC THẢ

HÌNH SỰ: 4 CÁCH ĐỂ NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ ĐƯỢC THẢ
Luật sư giúp đánh giá có nên nỗ lực thả người từ khi bị tạm giữ không?
Luật sư giúp đánh giá có nên nỗ lực thả người từ khi bị tạm giữ không?
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
          Việc tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh, 63 tuổi, lái xe đâm vào 17 xe máy bị công an chuyển từ tạm giữ sang tạm giam 4 tháng thật đáng tiếc. Ông Vĩnh là người già, có nơi cư trú ổn định, có vợ bị tim, lúc lái xe gây tai nạn đang đưa vợ đi khám. Các nạn nhân hiện tại chưa ai tử vong. Thực sự, ông Vĩnh nên được trợ giúp pháp lý để được tại ngoại khi đang bị tạm giữ, cố gắng tránh tình huống từ tạm giữ chuyển thành tạm giam.
          Vậy vấn đề đặt ra: Một người đang bị tạm giữ làm gì để tại ngoại, tránh tình huống chuyển từ tạm giữ thành tạm giam?
          Trước tiên nên hiểu qua về tạm giữ. Đây là việc mà cơ quan điều tra cấp quận, huyện trở lên có thể làm. Người bị tạm giữ thường là người đang phạm tội mà bị phát hiện, người chuẩn bị phạm tội bị tố giác, hoặc người có lệnh truy nã ra đầu thú hay bị bắt. Thời hạn tạm giữ tối đa 9 ngày. Hết 3 ngày phải có lệnh tạm giữ mới được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn ( 3 lệnh 9 ngày ). Nhà tạm giữ ngay trong công an quận. Người bị tạm giữ được liên lạc về nhà. Thông thường người nhà được tiếp tế dưới sự giám sát của công an. Hết 9 ngày, công an có thể thả người bị tạm giữ hoặc tạm giam ít nhất 2 tháng với người bị tạm giữ. Công an thường tiến hành lấy lời khai của người bị tạm giữ ngay sau khi giữ người. Nếu trong thời gian tạm giữ 9 ngày, người bị tạm giữ bị khởi tố, người hỏi cung bị can sẽ là điều tra viên được phân công bởi một quyết định. Điều tra viên này thường lấy được những bản cung kết tội quan trọng nhất trong thời gian 9 ngày này.
         Một số trường hợp người bị tạm giữ vẫn được tha về. Đây có thể là những người mà cơ quan điều tra không chứng minh được tội phạm. Rõ nhất là trường hợp 4 cô tiếp viên VNA bị phát hiện ma túy trong hành lý. Đây cũng có thể là những người vẫn phải ra tòa và bị tuyên án, nhưng có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội nhẹ với mức hình phạt dự đoán khoảng 3 – 5 năm, không có tiền án tiền sự, hoặc người có tuổi, có bệnh lý cần chăm sóc trong điều kiện y tế mà thường không thấy có trong trại tạm giam.
Người bị tạm giữ cần làm gì, cần được giúp đỡ thế nào để được tha về mà không bị chuyển thành tạm giam? Dưới đây là một số chia sẻ:
1/Những trường hợp chưa có tiền án, tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội mà dự đoán là sẽ được xử nhẹ… thì nên tính việc tại ngoại ngay trong thời gian tạm giữ. Khi người bị tạm giữ có luật sư, luật sư sẽ xác định vụ việc có thể được xử nhẹ không.
2/Thời gian tạm giữ là thời gian quan trọng với cơ quan điều tra. Họ sẽ khởi tố bị can nếu thấy có thể kết tội thành công. Điều tra viên sẽ lấy những bản cung quan trọng nhất trong thời gian tạm giữ. Họ sẽ chấp nhận tại ngoại nếu họ thấy người bị tạm giữ thành khẩn khai báo. Luật sư sẽ đánh giá tình thế pháp lý và khuyên người bị tạm giữ khai báo thành khẩn nếu cần.
3/Người nhà người bị tạm giữ cần làm đơn xin người bị tạm giữ tại ngoại. Kèm theo đơn là chứng minh địa chỉ người bị tạm giữ rõ ràng, cam kết không để họ phạm pháp, cam kết cộng tác với cơ quan điều tra, cam kết bồi thường…
4/Đơn xin người tạm giữ tại ngoại nên được gửi đến cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát. Luật sư mà người nhà người bị tạm giữ thuê hoàn toàn có thể làm đơn độc lập đề xuất thả người bị tạm giữ.