DÂN SỰ: NĂM CÁCH ĐỂ COVID 19 KHÔNG LÀM PHÁT SINH KIỆN CÁO

DÂN SỰ: NĂM CÁCH ĐỂ COVID 19 KHÔNG LÀM PHÁT SINH KIỆN CÁO
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Vẫn có thể giảm ảnh hưởng xấu về pháp lý do COVID 19 gây ra
    Vẫn có thể giảm ảnh hưởng xấu về pháp lý do COVID 19 gây ra
 
     Rõ ràng, COVID 19 đang hoành hành.
     Bạn nghe về các thống kê y tế. Ngày một đáng ngại. Trên TV là hình ảnh những thành phố không  người. Xã hội không còn quay như thường nhật, làm ăn đình đốn, cuộc sống đảo lộn. Một số nơi được nhà chức trách chặn lại, việc di chuyển không được tự do.
     Bạn cũng làm như những người khác, hạn chế tiếp xúc, sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Có thể bạn đã mua thức ăn dự trữ.
     Thực ra, đó là những cách đối phó đơn giản. Nếu bạn tính xa tới mức mua cả chục thùng mỳ tôm, hẳn bạn cũng có thể thấy COVID 19 ảnh hưởng tới các giao dịch thế nào. Một căn nhà đang xây có thể bị bỏ giở vì nhóm thợ không ai dám làm việc tại vùng có dịch. Những xe trái cây ùn ứ vì người mua có thể đã bị cách ly. Trung tâm ngoại ngữ không thể trả tiền thuê nhà vì người ta chỉ thị không để học sinh đi học...
     Khi những cam kết công việc với người khác không thể thực hiện, bạn nên đối phó với đòn đánh khác của COVID 19, đòn đánh có thể gây ra kiện cáo.  Trong luật thì cái được gọi là bất khả kháng được quy định từ lâu. Khoản 1 điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 cho rằng một sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra khách quan không lường được, không thể khắc phục dù đã làm hết cách.
     Qui định bất khả kháng chỉ có thể được lợi dụng khi đủ hai điều kiện, điều kiện cần: khó khăn khách quan và điều kiện đủ: người trong cuộc đã làm hết cách.
     Việc chứng minh sự kiện bất khả kháng có thể dẫn tới miễn trừ trách nhiệm mà không bồi thường. Khoản 2 điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rằng trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự.
Điểm b khoản 1 điều 294 Luật Thương mại 2005 cũng quy định bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm khi xuất hiện sự kiện bất khả kháng.
     Trong giới luật sư, chưa hẳn ai cũng hiểu đúng về bất khả kháng. Người viết có anh bạn luật sư giỏi giang, tu nghiệp Mỹ về, chuyên tư vấn, lập hợp đồng cho các khách hàng lớn. Lời văn trong hợp đồng thể hiện đẳng cấp của anh. Trong một hợp đồng ủy thác đầu tư anh soạn cho một công ty chứng khoán, người viết đọc được điều khoản trang trọng sau:  “ Điều 8. Điều khoản bất khả kháng: Không bên nào sẽ chịu trách nhiệm cho bất cứ sự chậm trễ hay vi phạm nào trong việc thực hiện bất cứ phần nào của bản hợp đồng này trong trường hợp những chậm trễ hay vi phạm đó bị gây ra bởi cháy nổ, bão lụt, chiến tranh, cấm vận, yêu cầu của chính phủ, quân đội, thiên tai, hay các nguyên nhân khác tương tự vượt khỏi tầm kiểm soát của mỗi bên và không có lỗi hay cẩu thả của bên chậm trễ hay vi phạm. Bên chịu ảnh hưởng sẽ thông báo cho bên kia bằng văn bản trong mười ( 10 ) ngày sau khi sự bắt đầu của bất cứ nguyên nhân nào kể trên sẽ tác động lên việc thực hiện. Mặc dù vậy, nếu việc thực thi hợp đồng của một bên bị chậm trễ trong một thời hạn quá ba mươi ( 30 ) ngày từ ngày bên kia nhận được thông báo theo điều khoản này, bên không bị ảnh hưởng sẽ có quyền, không có bất cứ trách nhiệm nào với bên kia, chấm dứt bản hợp đồng này “
     Điều khoản trên hơi giống bức tranh trừu tượng của một họa sỹ đắt giá, bạn phải xoay ngang xoay dọc để thưởng thức. Sau khi vượt qua vấn đề đọc hiểu, người viết rút ra kết luận: điều kiện đủ của bất khả kháng - điều kiện người trong cuộc làm hết cách mà không cải thiện được tình hình đã không được đề cập. Do đó, nó thực sự có nguy cơ vô hiệu.
     Quay lại đề tài COVID 19, bạn bị tác động vì dịch, điều đó là rõ ràng, nhưng bạn vẫn có thể phải gánh đủ trách nhiệm nếu bạn không hiểu gì về bất khả kháng và hành động thiếu gọn gàng.
     Có lẽ, việc bạn nên làm nếu COVID 19 cản trở làm ăn của bạn là: Chỉ ra có dịch và dịch ảnh hưởng tới công việc của bạn; bạn đã làm hết cách và tình hình không thể cải thiện. Điều này khiến ý định kiện cáo được bỏ qua.
     Một số chia sẻ để biến COVID 19 thành cái miễn trừ trách nhiệm cho bạn là:
1.Chắc chắn COVID 19 ảnh hưởng đến việc làm ăn của bạn. Nếu không ảnh hưởng, ảnh hưởng không đáng kể thì đừng nghĩ đến việc từ bỏ.
2.Báo cho phía bên kia, bằng văn bản, rằng bạn không thực hiện được nghĩa vụ gì theo cam kết. Hãy thu thập chứng cứ chứng minh cho việc không thực hiện được nghĩa vụ, ví dụ bạn bị cách ly thì hãy chụp lại ảnh công an, dân phòng ngồi ở barie đầu phố, chụp các số nhà bị cách ly, sưu tầm các tờ báo đưa tin về vụ việc, phô tô hộ khẩu chứng tỏ nhà bạn là một trong số các nhà bị cách ly...
3.Chứng tỏ nỗ lực giải quyết tình huống của bạn. Ví dụ chủ thầu nhận xây nhà cho người khác trong thời gian nhất định, khi COVID 19 bùng phát, thợ xây không dám lên thành phố nhận việc, dẫn đến việc chủ thầu không thể hoàn thành đúng thời hạn, trong trường hợp này, chủ thầu nên chứng tỏ đã nỗ lực thuê những thợ khác bằng việc rao vặt trên báo. Tờ báo nào đăng tin cũng nên được giữ lại.
4.Thông báo  bằng văn bản kết quả của nỗ lực giải quyết tình huống, thông báo không đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ và tuyên bố không thể tiếp tục thực hiện. Nói rõ thời điểm ngừng.
5.Yêu cầu phía bên kia ngồi lại, cùng lập một biên bản ghi nhận tình trạng bất khả kháng. Ghi nhận luôn cách xử lý đã được tiến hành. Yêu cầu phía bên kia cho biết ý kiến. Nói rõ bạn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng. Hãy cam kết tiếp tục thực hiện nếu tình huống bất khả kháng quan đi.
     
Như vậy, đây là vấn đề kĩ thuật hơi rườm rà. Bạn nên để luật sư bạn thực hiện.