DÂN SỰ: LÀM SAO THI HÀNH ÁN HIỆU QUẢ
DÂN SỰ: LÀM SAO THI HÀNH ÁN HIỆU QUẢ
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Vẫn có cách để việc thi hành án diễn ra
Có thể lý giải thực tế trên bằng nhiều cách. Việt Nam là nền kinh tế tiền mặt. Người thua kiện không để tiền trong tài khoản nên khó phong tỏa. Rồi, các quy định hiện tại vẫn có kẽ hở để người thua kiện tẩu tán tài sản. Theo luật, người đi kiện có quyền yêu cầu tòa phong tỏa tài sản của người bị kiện. Đòi chia một phần nhà chẳng hạn, để chặn việc bán cái nhà đó người đi kiện phải đặt số tiền đúng bằng giá trị cái nhà. Mục đích là tránh việc người đi kiện đưa ra yêu cầu bừa bãi. Nhưng do quy định kiểu vậy, không ai dám yêu cầu phong tỏa tài sản. Điều này khác hẳn 30 năm trước. Lúc đó người ta chỉ việc yêu cầu, không mất tiền. Nhiều trường hợp chỉ cần tài khoản bị phong tỏa là người bị kiện chấp nhận trả tiền, không cần xử và cũng chẳng có việc chậm thi hành án.
Sự thất vọng của người thắng kiện khi bản án chậm thi hành cũng có thể lý giải theo cách khác. Người đi kiện thường thiếu cái nhìn tổng thể. Họ chưa từng va chuyện kiện cáo. Họ thiếu đi việc đánh giá cơ hội thắng kiện. Họ không xem xét những cách thức giải quyết vụ việc, vốn dĩ có thể đưa đến kết quả khác nhau. Họ xác định chỉ “ chiến “ không “ hòa “. Họ không hiểu mình muốn gì, tiền hay danh dự. Họ ném tiền cho các loại “ cò “ hoặc phung phí tại các giai đoạn chẳng quan trọng gì.
Với việc thi hành án, sai lầm của người thắng kiện gồm cả việc không đánh giá đầy đủ cơ hội thi hành án ngay từ khi làm đơn kiện. Đa số nghĩ rằng chỉ cần có án thì bản án sẽ được thi hành. Ai dám cản trở án của tòa sẽ bị xử lý. Điều này dẫn tới việc người ta chỉ tập trung cho giai đoạn xử, giai đoạn thi hành án được giao phó hết cho cơ quan thi hành án. Người được thi hành án thường chỉ thuê luật sư tại các giai đoạn xử sơ thẩm, phúc thẩm. Ít người thuê luật sư để tham gia khâu thi hành án.
Một sai lầm nữa của người được thi hành án là cho rằng việc thi hành án chỉ diến ra trong khoảng thời gian vài ba ngày. Không ai nghĩ nó sẽ kéo dài hàng năm. Do vậy, họ không xác định là phải theo dõi quá trình thi hành án. Họ không coi trọng việc tự đi xác minh tài sản để xem thực chất tài sản của bên thua kiện còn gì, tình hình làm ăn bên thua kiện ra sao.
Người thắng kiện cũng nên hiểu việc thi hành một bản án, nhất là khi nó có giá trị lớn, là gánh nặng với bên thua kiện. Bên thua kiện có lý do khách quan để không thể trả một lần cho bên thắng kiện. Nếu không có cách tiếp cận đúng thì việc bức xúc với quá trình thi hành án chậm chạp là không tránh khỏi.
Vài chia sẻ với người được thi hành án để tránh ách tắc trong quá trình thi hành án dân sự:
1.Khi kí các hợp đồng dân sự, kinh doanh – thương mại, cho vay, nhận nợ... hãy tính tới khả năng xảy ra kiện cáo. Có ràng buộc phù hợp. Nếu đối phương hay người bảo trợ có tài sản đảm bảo để thực hiện cam kết thì hãy thỏa thuận rõ ràng cách xử lý tài sản đó mà không cần chờ ra tòa. Để luật sư tham gia quá trình này.
2.Khi tính đến việc kiện cáo, khi vụ kiện đang được giải quyết, hãy có cái nhìn tổng thể. Hãy xác định mục đích kiện: Vì tiền hay vì danh dự. Xác định rõ cách kiện. Chuẩn bị nguồn lực đến cả khâu thi hành án.
3.” Đêm dài lắm mộng “. Nếu là người đi kiện hãy xác định chấm dứt vụ việc càng nhanh càng tốt. Tận dụng mọi cơ hội hòa giải khi vụ án đang được xem xét, khi đã có án. Tự giải quyết việc với nhau cố gắng tránh viện đến quyền lực nhà nước.
4.Quan tâm thích đáng việc thi hành án. Hiểu trình tự, thủ tục. Tự thu thập thông tin tài sản đối phương. Kịp thời có phản ứng mỗi khi có thông tin như là đối phương đang bán tài sản, vừa thêm thu nhập... Nên có một luật sư cho khâu thi hành án.
5.Xác định thi hành án là một quá trình dài. Đặt ra các mục tiêu phù hợp với bản thân và hoàn cảnh. Các mục tiêu cơ bản là: 1.Thỏa mãn vấn đề danh dự. 2.Bù đắp toàn bộ thiệt hại. 3.Bù đắp một phần thiệt hại. Từ đó nên có hành xử phù hợp. Một số trường hợp xác định có thể phải theo đuổi việc thi hành án vô thời hạn.
Share :