DÂN SỰ: LÀM SAO ĐỂ VIỆC TRÌ HOÃN PHIÊN TÒA CÓ LỢI

DÂN SỰ: LÀM SAO ĐỂ VIỆC TRÌ HOÃN PHIÊN TÒA CÓ LỢI
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Một phiên tòa bị hoãn do luật sư hai bên không có mặt
    Một phiên tòa bị hoãn do luật sư hai bên không có mặt
          Các luật sư trong một vụ dân sự đều biết rằng các vụ xử thường không diễn ra vào đúng ngày ghi trong giấy báo phiên tòa. Hoặc trước phiên tòa một ngày, thẩm phán gọi điện báo rời ngày xử. Hoặc luật sư đến tòa, không thấy người của phía đối phương, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, tòa hội ý và xác định xử vào một ngày khác. Một dạng nữa, có thể việc xử đúng ngày ghi trong giấy, nhưng phiên tòa phải dừng lại, chờ tới cả vài tháng sau mới tiếp tục. Nguyên do: Tại tòa, luật sư một bên nêu vấn đề và đề nghị tòa ngừng xử để thu thập chứng cứ làm rõ. Kiểu gì thì cũng là trì hoãn.
          Tòa là nơi nghiêm minh, các quyết định của tòa, trong đó có quyết định đưa vụ án ra xét xử cần được tuân thủ nghiêm túc. Việc xử cần được diễn ra liên tục, bằng lời nói. Vậy mà sự trì hoãn kiểu như trên vẫn diễn ra. Điều này được luật nào quy định? Quan trọng hơn, lợi dụng sự trì hoãn để giải quyết tranh chấp theo hướng có lợi cho mình bằng cách nào?
         Đầu tiên nói về cơ sở pháp luật của việc trì hoãn, gồm vắng mặt tại tòa và tạm ngừng phiên tòa. Điều 227 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: Phiên tòa sẽ được lùi vào ngày khác nếu những người tham gia: nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, luật sư, người đại diện của họ vắng mặt. Việc vắng mặt không nhất thiết phải có lý do và phải báo trước cho tòa. Nếu những người có yêu cầu: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt lần thứ hai, yêu cầu của họ sẽ không được tòa xem xét. Họ có quyền khởi kiện lại trong một vụ án dân sự độc lập đối với yêu cầu đó.
         Với những thành phần tham gia phiên tòa khác: người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, các điều từ 229 đến 231 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định tòa vẫn có thể tiếp tục xử tùy từng trường hợp.
          Việc hoãn phiên tòa vì các lý do nêu trên có thời hạn không quá một tháng.
          Tiếp theo là việc tạm ngừng phiên tòa. Điều 259 quy định các lý do tạm ngừng phiên tòa, trong đó có lý do: Do cần thu thập thêm chứng cứ, do cần giám định lại, hoặc do các bên đề nghị tòa cho thời gian tự hòa giải. Việc tạm ngừng này cũng chỉ trong khoảng một tháng.
         Tóm lại, theo luật, việc trì hoãn có thể diễn ra theo một số cách, đáng kể nhất là: 1-Đương sự bỏ không tham gia phiên tòa ( vào hôm xử đó hoặc không tham gia trong thời gian còn lại ). 2-Có vấn đề cần làm rõ và 3.Đương sự xin tự hòa giải.
          Vậy, làm thế nào để việc trì hoãn có lợi cho đương sự?  Để trả lời, người viết có một số chia sẻ:
1.Người trì hoãn phiên tòa thường là bị đơn, người có nghĩa vụ liên quan. Đằng nào thì phiên tòa cũng diễn ra. Không cần nhập viện đúng ngày tòa xử. Hãy đối mặt. Việc giải quyết vụ án còn dài.
2.Hãy trì hoãn nếu thật sự không khỏe, cần trấn tĩnh, cần chuẩn bị kĩ hơn cho phiên tòa, hay đơn giản là luật sư của bạn cần thời gian.
3.Cũng nên trì hoãn nếu có chứng cứ mới mà bạn hi vọng được đánh giá đúng, hoặc cần phải đánh giá lại một chứng cứ, một lời khai…Luật sư của bạn sẽ giúp bạn trình bày nguồn gốc chứng cứ, sự liên quan đến vụ tranh chấp, đề nghị làm rõ chứng cứ.
4.Việc tạm ngừng phiên tòa có thể là thời gian tốt để các bên nhận ra mất mát nếu tiếp tục theo kiện. Nếu đúng vậy, hãy tận dụng thời gian tạm ngừng để đưa ra giải pháp thỏa hiệp, có lợi cả hai, nhất là lợi về thời gian.
5.Nếu việc trì hoãn là để thu thập thêm, làm rõ chứng cứ, bạn nên tự mình, hoặc yêu cầu luật sư lên tòa kiểm tra xem có gì được bổ sung không để có sự chuẩn bị.