DÂN SỰ: LÀM GÌ ĐỂ VỤ KIỆN ĐƯỢC GIẢI QUYẾT NHANH

DÂN SỰ: LÀM GÌ ĐỂ VỤ KIỆN ĐƯỢC GIẢI QUYẾT NHANH
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Kiện cáo dân sự, lao động, kinh doanh - thương mại... cần giải quyết nhanh
    Kiện cáo dân sự, lao động, kinh doanh - thương mại... cần giải quyết nhanh
      Kiện cáo ở đây được hiểu là các vụ án dân sự, kinh doanh – thương mại, lao động. Các vụ án hành chính muốn nhanh cũng không được. Lý do chúng tôi sẽ trình bày ở bài khác. Trong một vụ kiện cáo, ai cũng muốn giải quyết việc nhanh. Bị tòa gọi lên rất mất thời gian, rồi lo nghĩ, căng thẳng, áp lực, tốn kém… Tuy vậy, vào việc người ta mới thấy không dễ nhanh. Luật định thì một vụ kiện cáo sẽ được tòa giải quyết trong khoảng 06 tháng ở cấp sơ thẩm. Thực tế người viết chưa giải quyết vụ nào dưới 01 năm, rồi cộng cả thời gian phúc thẩm, xong một vụ khoảng một năm rưỡi là ít. Có không ít vụ kéo dài 6 – 7 năm. Có vụ kiện cáo đất, bên thắng đã bán đất, Sổ Đỏ đổi chủ 3 – 4 lần, nhưng tòa cấp giám đốc thẩm lại hủy xử lại, vì vậy giao dịch sau vô giá trị.
      Tại sao một vụ kiện cáo thường kéo dài? Có các lý do không thuộc người đi kiện là: Tòa án quá tải, chịu nhiều áp lực; đối phương trì hoãn; chờ đợi các cơ quan như đo đạc, thẩm định, y tế… lên tiếng; chờ cơ quan hành chính trả lời, các bên tìm kiếm chứng cứ sau khi tòa đã giải thích đầy đủ; chờ người đại diện, người thừa kế quyền – nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu thủ tục…
      Các lý do thuộc người đi kiện có thể kể ra:
-Thiếu định hướng: Không xác định hoặc quên mình đi kiện vì cái gì? Tiền? Danh dự? Do vậy lao vào những cuộc ăn thua không cần thiết. Đối phương đương nhiên phải tự bảo vệ hoặc trả đũa. Việc kiện cáo sẽ kéo dài đến cùng.
-Bỏ qua cơ hội đàm phán, thỏa hiệp. Việc chủ động khởi kiện khiến người đi kiện cảm thấy khó ngồi lại nói chuyện với đối phương.
-Thiếu sự chuẩn bị cần thiết. Đi kiện mà chưa có trong tay hồ sơ, chứng cứ cụ thể, không xác định được địa chỉ của người có quyền lợi – nghĩa vụ liên quan.
-Sa vào “ bẫy “: Ví dụ: Em đòi anh chia thừa kế nhà đất. Sau khi tòa thụ lý vụ án, mới biết anh đã có Sổ Đỏ. Tòa án nói là phải kiện hành chính đòi hủy Sổ Đỏ vì  cấp sai. Thế là nguyên đơn – người em đi rút đơn kiện, làm đơn kiện mới nhằm vào ủy ban nơi cấp Sổ Đỏ. Như vậy việc cũ chưa xong tự chuốc thêm việc mới.
Vậy làm gì để vụ án dân sự, kinh doanh – thương mại, lao động có thể được giải quyết trong thời gian nhanh nhất, theo chủ động của người đi kiện? Một số chia sẻ:
1/Đánh giá kỹ càng về vụ việc của mình. Trước khi kiện, bạn nên xác định mình muốn gì? Tiền? Danh dự? Kiện cho ra nhẽ miễn là có phán quyết tòa án? Để đạt cái bạn muốn, bạn có gì trong tay? Chứng cứ? Sự ủng hộ của người liên quan?... Nên có luật sư giúp bạn.
2/Giành thời gian chuẩn bị vụ kiện. Thu thập các chứng cứ cần thiết. Tìm hiểu và xin xác nhận địa chỉ của người liên quan. Xác định các yêu cầu phù hợp. Chuẩn bị tiền theo kiện.
3/Làm đơn, chuẩn bị hồ sơ gửi kèm. Lần đầu nộp đơn, tòa có thể không thụ lý ngay. Bạn nên chấp nhận tình trạng sửa đi sửa lại. Chỉ nên hỏi lại tòa cho rõ nhằm mục đích làm đơn. Sau vài ba lần nộp đơn tòa không thụ lý, từ đó cãi nhau tay đôi với tòa là không khôn ngoan.
4/Tận dụng cơ hội thỏa hiệp. Nếu phần được nhận ít hơn phần mà theo luật đáng ra phải vậy, nhưng có thể nhận giá trị vật chất ngay và tránh mất thời gian, giảm stress thì rất nên suy xét. Để tận dụng việc thỏa hiệp, nên luôn giữ sự ôn hòa tại tòa, không nên cãi nhau tay đôi với đối phương.
      Kiện cáo là việc hãn hữu xảy ra. Vì vậy, người đi kiện không khỏi bị mất phương hướng, tính toán sai. Nếu muốn vụ việc được giải quyết nhanh, người đi kiện nên có một luật sư thậm chí trước lúc làm đơn kiện.