DÂN SỰ - KINH TẾ: CÁCH ĐỂ CÓ CHỨNG CỨ?
DÂN SỰ - KINH TẾ: CÁCH ĐỂ CÓ CHỨNG CỨ?
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Chứng cứ phải ở mức độ để tòa thụ lý vụ việc
Đến thời luật đủ hơn thì đơn kiện phải chuẩn, nói rõ sự việc và yêu cầu. Kèm theo là chứng cứ. Người đi kiện vào tòa cứ như vào đồ bát trận. Họ thường bị bắt về làm lại đơn, bổ xung cái này cái kia. Những thứ như giấy nhận nợ, hợp đồng, biên lai... người đi kiện dễ có. Những thứ khác như phô tô Sổ Đỏ, trích lục bản đồ địa chính, xác nhận địa chỉ, họ tên con cái đối phương... có được là cả vấn đề. Đơn bị trả về làm lại là vậy. Chuyện này có thật: Một vị từng là chánh tòa của Tòa án Nhân dân Tối cao trước đây, về hưu chuyển qua làm luật sư. Có một vụ, chính tay vị này làm đơn, chuẩn bị chứng cứ, đi cùng thân chủ nộp. Người nhận đơn là một cô thư ký trẻ măng. Cô xem và yêu cầu vị chánh tòa cũ làm lại đơn, bổ xung chứng cứ. Sau khi đi lại mấy lần vẫn không được nhận đơn, vị này bực mình, hỏi luôn cô thư ký: “ Cháu biết bác là ai không? Bác từng là chánh tòa Tối cao đấy! “ – “ Vâng, mời bác về làm lại đơn cho đúng “.
Thực tế là làm cái đơn kiện đã không dễ. Với chứng cứ kèm theo, tìm ra cho đúng yêu cầu của tòa có khi quá đánh đố. Ví dụ, Sổ Đỏ nằm trong tay người bị kiện mà tòa đòi người đi kiện phải có phô tô Sổ Đỏ. Sự khó khăn trong việc thu chứng cứ có mấy nguyên nhân:
-Cơ quan nhà nước là nơi nắm giữ thông tin về nhà đất, hộ khẩu, chủ xe, lý lịch cán bộ ... Họ đâu dễ cung cấp thông tin này cho người đi kiện. Trước đây, người viết và thân chủ phải xuống công an một phường ở quận trung tâm thủ đô để xin xác nhận số nhà của người bị kiện theo yêu cầu của tòa án. Khi trình bày và đưa yêu cầu, anh công an trực ban nói thẳng: Chưa từng nghe yêu cầu kiểu này, có gì cứ bảo tòa xuống. Tòa thì bảo phải có xác nhận công an mới chịu đi đâu thì đi. Nghịch lý này vẫn tồn tại trong ngành tư pháp Việt Nam.
-Tòa quá ư tùy tiện khi yêu cầu chứng cứ. 25 năm trước, hễ người đi kiện mang đến tòa một cái đơn nguệch ngoạc, người của tòa hỏi vài ba câu để làm rõ sự việc và yêu cầu, rồi thông báo người làm đơn đóng tiền để xử. Chứng cứ thu thập sau và do chính tòa xuống tận nơi thu thập. Giờ đây, tòa gần như buộc người ta phải đủ chứng cứ ở mức đáng kể, mới thụ lý vụ án – tức là cho người ta qua vòng gửi xe. Chứng cứ gì hoàn toàn do người nhận đơn nói. Có tòa, mỗi ngày lại có người nhận đơn khác nhau ngồi trực và mỗi người nói một kiểu. Chiều được người này, đến hôm người kia trực lại bị đòi hỏi kiểu khác. Có khi ngược luôn người trước.
-Người đi kiện quá thiếu kinh nghiệm lại hay tự tay chữa bệnh. Những người ra tòa thường là đầu tiên và duy nhất. Tuy nhiên, do quá tin vào khả năng xoay xở, quan hệ, tài đối đáp, tin rằng lý mình nắm, muốn chứng tỏ khôn ngoan ( “ khôn ngoan ra cửa quan mới biết “ ) nên tự làm đơn rồi mang đến tòa để nộp. Đơn thường viết theo kiểu của mình, không phải thứ tòa muốn đọc, nên bị trả lại. Đã vậy còn thích tự mình thu thập chứng cứ, kiểu xin chữ ký của tất cả các bô lão trong họ. Kiện cáo thực sự phức tạp, nếu vị cựu chánh tòa trên kia chuẩn bị chứng cứ mà còn bị trả lại, điều này nghĩa là người thiếu kiến thức luật không dễ vẫy vùng.
Vì vậy, người viết xin được chia sẻ vài cách thức để người đi kiện dân sự, kinh tế, hành chính, lao động có thể có những chứng cứ hữu hiệu, đủ để tòa án thụ lý đơn kiện, là:
1.Giải quyết vấn đề từ gốc, tức đánh giá cơ hội, xác định cách kiện. Đánh giá cơ hội tức là xem nếu kiện, vụ việc có cơ hội được xem xét không? Nếu được, cơ hội thắng kiện nhiều không? Xác định cách kiện là với những thứ có trong tay, nên kiện kiểu gì? Chia thừa kế? Chia tài sản chung? Chấm dứt vi phạm? Kiện hủy Sổ Đỏ? Phạt hợp đồng? Bồi thường? Tránh tự mình làm. Cần có một luật sư.
2.Nếu kiện được, hãy giành thời gian thu thập chứng cứ. Nên có kế hoạch thu thập chứng cứ. Xác định cần thu thập gì? Ở đâu? Cách thức? Hãy giành thời gian thích đáng. Lại cần một luật sư.
3.Hãy linh hoạt để có chứng cứ trong tay. Có nhiều cách để có thông tin: Tự tìm hiểu; nhờ người tìm hộ; thuê thám tử; yêu cầu thừa phát lại; gây ra tranh chấp để thông tin lộ ra...
4.Khi đã có chứng cứ, hãy sắp xếp, giải thích theo một logic mà hễ ai tiếp cận cũng không dễ bác bỏ. Ví dụ ghi âm thì giải thích ghi trong hoàn cảnh nào? Tiếng nói trong đoạn ghi là ai? Liên quan gì đến cái định trình bày? Ghi hình thì giải thích người nào là ai? ...
5.Khi làm hết cách mà không có chứng cứ cần thiết, có thể cứ kiện ra tòa với những gì mình có, rồi yêu cầu tòa trợ giúp trong việc thu thập chứng cứ. Cứ yêu cầu, đơn từ để cơ hội xuất hiện.
Share :