DÂN SỰ:HÒA GIẢI KHI THẮNG KIỆN ĐỂ MAU CHÓNG CÓ LỢI ÍCH VẬT CHẤT

DÂN SỰ:HÒA GIẢI KHI THẮNG KIỆN ĐỂ MAU CHÓNG CÓ LỢI ÍCH VẬT CHẤT
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Hòa giải khi thi hành án dân sự có thể mang lại lợi ích vật chất mau chóng
    Hòa giải khi thi hành án dân sự có thể mang lại lợi ích vật chất mau chóng
          Người kiện đòi một khoản tiền hay một lô đất hiểu để cầm tiền hay có đất thật gian nan. Các cấp xử nào sơ thẩm, nào phúc thẩm, sau đó là thi hành án. Đó là chưa nói đến việc vụ án có thể bị hủy bằng một bản án giám đốc thẩm.
         Khi xử sơ thẩm, phúc thẩm đến khi thi hành án, người ta thường có thủ tục hòa giải, thỏa thuận. Tuy vậy, việc hòa giải, thỏa thuận hiếm khi thành công. Lý do: Các bên không nghĩ đến, hoặc không biết cách hòa giải. Luật sư các bên có lẽ chỉ biết “ chiến “, ít tính đến “ hòa “, kĩ năng hòa giải thiếu hẳn. Có thể nói ở Việt Nam thiếu luôn một lớp luật sư chuyên hòa giải.
         Việc hòa giải, thỏa thuận vô cùng quan trọng. Nó khiến cho các bên có giải pháp ở mức chấp nhận được để bảo vệ, giữ lại lợi ích của mình. Việc xét xử, thi hành án là quá trình tốn kém cả về thời gian, tiền bạc, lại rất stress. Hòa giải, thỏa thuận giúp tránh được những điều này.
         Riêng với giai đoạn thi hành án dân sự, hòa giải cũng rất quan trọng. Bên thắng cuộc, tức người được thi hành án, thường cho rằng án đã tuyên, cứ luật mà làm. Họ thường trông chờ vào cơ quan thi hành án. Từ khi họ có đơn thi hành án đến khi có tiền, có đất là một quãng thời gian không ngắn, với hàng loạt thủ tục, mà bắt đầu lại chính là thủ tục hòa giải, thỏa thuận. Quá trình thi hành án có thể bị gián đoạn khoảng 03 tháng vì công văn yêu cầu tạm ngừng thi hành án để xem xét kiến nghị giám đốc thẩm của Viện Kiểm sát Tối cao. Gần đây việc này xảy ra thường xuyên. Như vậy, nếu bên thắng cuộc có được đề xuất thích hợp, có thể nhanh chóng có tài sản trong khi thi hành án, tránh quá trình phức tạp, tốn kém.
Hòa giải, thỏa thuận tại giai đoạn thi hành án có khả năng thành công cao nếu đem so với hòa giải tại giai đoạn xét xử vụ án dân sự. Tại giai đoạn xét xử, mọi việc chưa ngã ngũ, một bên vẫn nuôi hi vọng và vẫn nỗ lực giành chiến thắng, cũng tức là ngăn cản chiến thắng bên kia. Tại giai đoạn thi hành án, tranh chấp dân sự đã có lời giải. Điều này tác động tới suy nghĩ, hành xử của các bên.
         Bên thắng cuộc cũng nên hiểu: Bản án, quyết định của tòa án có thể có nhiều chỗ để đối phương lợi dụng nếu muốn trì hoãn việc thi hành án. Bên thua cuộc có thể yêu cầu cơ quan thi hành án có công văn đến tòa yêu cầu giải thích những chỗ được cho là khó hiểu hoặc không thực tế của bản án. Bên thua cuộc cũng có thể gây nhiễu bằng cách kiện chính cơ quan thi hành án khi họ cưỡng chế tài sản, định giá, đấu giá… Vì vậy, nên có cái nhìn mềm dẻo, sẵn sàng thỏa hiệp nhượng bộ. Công lý tuyệt đối luôn khó thực thi.
         Một số chia sẻ để các bên, nhất là bên thắng cuộc trong vụ án dân sự, có cái nhìn phù hợp, từ đó có hành động đúng đắn để hòa giải, thỏa thuận thành công, mau chóng có lợi ích vật chất mà mình hướng đến khi bắt đầu kiện:
1/Những gì tòa tuyên, bên thắng cuộc không nhất thiết đòi thi hành triệt để. Giữa bản án giấy và tình hình thực tế luôn khác biệt. Để tiết kiệm thời gian, mau chóng có lợi ích vật chất, nên chấp nhận từ bỏ một số thứ trong bản án.
2/Danh dự bên thua cuộc cần được bảo toàn. Bên thắng cuộc nên hành xử tế nhị. Tốt hơn cả nên có người đại diện. Nếu bên phải thi hành án bị bẽ mặt, tổn thương, họ sẽ phản ứng tiêu cực. Lúc đó có cưỡng chế thi hành án cũng khó thu lợi ích vật chất.
3/Chủ động hòa giải. Việc này nên làm từ khi có án phúc thẩm. Bên thắng cuộc cần hiểu bản án, hiểu quá trình thi hành án, hiểu tình thế chung. Từ đó có phương án hòa giải phù hợp, cơ bản là xác định mức nhượng bộ.
4/Đàm phán theo lộ trình. Hòa giải ở tòa thất bại vì thẩm phán chỉ hỏi: Các bên có đề xuất hòa giải gì không? Do không chuẩn bị, nên câu trả lời chung là không. Việc đàm phán trước tiên là gặp gỡ đối phương, các bên lắng nghe quan điểm. Sau khi nhận định tình hình, xác định mức nhượng bộ, bên thắng cuộc đưa ra đề xuất. Đề nghị một khoảng thời gian để đối phương nhận định tình thế và hiểu ro ý định của mình. Cách đưa đề xuất cần tính toán, tốt nhất là qua một trung gian.
5/Viêc hòa giải tại thi hành án nên được ghi nhận bằng một văn bản. Ngoài nội dung hòa giải, nhượng bộ, các bên nên thỏa thuận thời gian thực thi những gì hai bên thống nhất, chi phí cho việc thực hiện và trách nhiệm chi trả, chế tài khi bội tín.