DÂN SỰ:CÁCH ĐỂ TÒA THỤ LÝ VỤ ÁN NGAY CẢ TRONG THỜI GIAN ĐÓNG BĂNG
DÂN SỰ:CÁCH ĐỂ TÒA THỤ LÝ VỤ ÁN NGAY CẢ TRONG THỜI GIAN ĐÓNG BĂNG
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
Phải giải quyết hơn 90% án thụ lý trong năm là áp lực lớn với tòa. Tòa có hai cách giải quyết. Cách thứ nhất: Từ tháng 09 hàng năm, họ tăng tốc xét xử. Cách thứ hai: Từ khoảng cuối tháng 06, đầu tháng 07, họ bắt đầu tìm cách trì hoãn nhận vụ mới. Cách trì hoãn thường là yêu cầu bộ phận hòa giải đối thoại kéo dài việc hòa giải, vì chỉ khi việc hòa giải không thành, vụ án mới được chuyển cho tòa thụ lý và mới bắt đầu được tính vào năm giải quyết. Bộ phận hòa giải đối thoại, thường do các luật sư và các thẩm phán về hưu công tác với tòa phụ trách, được yêu cầu giảm tải cho tòa. Bộ phận này sẽ nỗ lực hòa giải thành một số vụ. Các vụ khác, họ đưa ra quan điểm riêng tư là vụ đó sẽ không được thụ lý vì thiếu đủ thứ, hoặc cơ hội thắng thấp. Người đi kiện nản lòng mà rút đơn.
Nếu người đi kiện vẫn yêu cầu tòa xử, tòa sẽ phân công thẩm phán xem xét. Thẩm phán sẽ đánh giá vụ án có thể được giải quyết trong năm không. Nếu không, sẽ chấp nhận sang năm sau hoặc sẽ yêu cầu người đi kiện nộp thêm chứng cứ này khác, khi đạt yêu cầu mới thụ lý. Một số vụ có luật sư, họ nói khó với luật sư thuyết phục khách hàng tạm thời rút đơn, sang tháng 11 sẽ thụ lý lại.
Theo luật định, người đi kiện nộp đơn kiện tại bộ phận tiếp nhận đơn kiện. Bộ phận này chuyển đơn lên chánh án tòa án. Trong 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn, chánh án sẽ phân công một thẩm phán xem xét đơn. Trong 05 ngày tiếp theo, thẩm phán này sẽ ra một trong số các quyết định: Thụ lý giải quyết; yêu cầu bổ sung đơn; chuyển đơn lên tòa có thẩm quyền; trả đơn cho người đi kiện.
Như vậy, thời gian để quyết định có thụ lý vụ án hay không là 08 ngày. Ở tỉnh, thành phố lớn, không bao giờ mốc 08 ngày đạt được. Việc thụ lý chắc chắn tùy vào thời điểm nộp đơn. Thời điểm vàng nộp đơn là tháng 10. Thực tế, đơn nộp tháng 07 vẫn được thụ lý, kể cả xử xong trước tháng 10 năm đó. Tuy vậy, việc tòa trì hoãn không thụ lý vụ án vào tháng 7, 8, 9 hẳn sẽ kéo dài thời gian giải quyết, làm nản lòng người đi kiện, thậm chí khiến họ bỏ ý định kiện.
Làm gì để có thể được tòa thụ lý giải quyết một vụ án dân sự vào thời điểm từ tháng 07 – hết tháng 09 hàng năm? Một số cách nên thử:
1/Chuẩn bị kĩ đơn từ, hồ sơ, chứng cứ, văn bản lý giải chứng cứ kèm theo. Gửi đơn kiện và hồ sơ, chứng cứ kèm theo vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Muốn nhanh cũng nên có đơn từ chối hòa giải. Yêu cầu tòa cấp cho phiếu nhận đơn hoặc vào sổ thụ lý. Giữ một bộ đơn từ nữa và ra bưu điện gửi thư đảm bảo, giữ cuống.
2/Sau 03 ngày lên lại tòa hỏi đã phân công thẩm phán chưa? Sau 08 ngày lên hỏi đã thụ lý chưa? Nếu chưa, bạn có thể làm đơn gửi thẳng chánh án tòa đó yêu cầu thụ lý đúng hạn. Nếu quá lâu chưa thụ lý, bạn làm đơn gửi chánh án tòa án cấp trên yêu cầu can thiệp.
3/Tòa có thể gọi bạn lên yêu cầu bổ sung chứng cứ này khác, bạn cứ về và nỗ lực bổ sung. Có thể bạn không thể bổ sung được chứng cứ, vì dụ không thể chứng minh địa chỉ bị đơn vì công an không cấp xác nhận, bạn nên làm đơn trình bày vì sao không bổ sung được cái tòa yêu cầu và yêu cầu tòa trợ giúp thu thập.
4/Tòa có thể thuyết phục bạn rút đơn, về viết lại đơn, bổ sung chứng cứ… Bạn không theo yêu cầu đó. Bạn yêu cầu tòa có văn bản nói rõ lý do nếu không thụ lý.
Share :