DÂN SỰ:CÁCH ĐỂ QUAN ĐIỂM VÀ YÊU CẦU CỦA CÁC BÊN ĐƯỢC LÀM RÕ TRONG BẢN ÁN DÂN SỰ

DÂN SỰ:CÁCH ĐỂ QUAN ĐIỂM VÀ YÊU CẦU CỦA CÁC BÊN ĐƯỢC LÀM RÕ TRONG BẢN ÁN DÂN SỰ
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Luật sư luôn giúp khách hàng trình bày quan điểm và yêu cầu tốt nhất
    Luật sư luôn giúp khách hàng trình bày quan điểm và yêu cầu tốt nhất
          Tuần trước chúng tôi có bài viết về việc tòa án không đưa ra nhận định về lời bào chữa của bị cáo, luật sư bào chữa. Đây là thực tế chung trong các bản án hình sự. Việc thiếu nhận định cũng xuất hiện trong bản án dân sự. Có vẻ đây là hiện tượng chung trong các bản án.
          Một bản án dân sự thường có cấu trúc:  “ Nội dung vụ án “ – “ Nhận định của tòa án “. “ Nội dung vụ án “ mở đầu bằng câu: Theo đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án …. Sau đó là phần trình bày lại cái mà nguyên đơn trình bày và yêu cầu của nguyên đơn. Tiếp đến là phần trình bày và cái mà bị đơn, người có quyền – nghĩa vụ liên quan trình bày và yêu cầu. Rồi đến câu: Tại phiên tòa ngày hôm nay… tiếp nữa là cái mà nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi – nghĩa vụ liên quan, luật sư các bên trình bày và yêu cầu.
“ Nhận định của tòa án “ nêu lên các nhận định, theo một định hướng sẵn có trong đầu thẩm phán. Luật sư tinh ý có thể phát hiện ra định hướng này trước cả khi phiên xử mở.
         Vấn đề là phần nhận định, tòa chỉ nêu quan điểm của mình. Quan điểm các bên như nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, luật sư không được tóm tắt. Quan điểm nào bị tòa bác, tại sao bác cũng không nói. Điều này dẫn đến phản ứng rất đáng tiếc của nguyên đơn hay bị đơn kiểu như: Người ta không thèm quan tâm tới những cái mà tôi đưa; Luật sư cứ nêu ý kiến, tòa vẫn cứ xử theo ý mình .v.v…
         Thực ra, cách làm việc của tòa phần nào đó có căn nguyên từ cách hành xử của đương sự tại tòa. Có thể tòa không nhận định ý kiến các bên chỉ vì các bên trình bày quá dài, quá lan man, hoặc không liên quan trực tiếp đến bản chất vụ việc. Luật sư có thể chỉ cứ nói, không trích dẫn điều luật tương ứng, không chỉ ra sự liên quan đến bản chất vụ việc…
         Một số cách các bên tham gia phiên tòa dân sự có thể làm để tăng khả năng tòa đưa ra nhận định rõ ràng về quan điểm và yêu cầu của các bên trong bản án dân sự:
1/Trước tiên phải hình thành yêu cầu và quan điểm lập luận ủng hộ các yêu cầu đó. Các lập luận nên dựa vào quy định pháp luật, có trích dẫn điều luật.
2/Trình bày quan điểm rõ ràng, mạch lạc, lặp đi lặp lại: Tại phiên tòa, quan điểm và yêu cầu thể hiện dưới dạng văn nói. Vì vậy, khi trình bày, các bên nên mạch lạc, rõ ràng, kiểu: Tôi xin đưa ra quan điểm là… từ quan điểm trên, yêu cầu của tôi là…
3/Yêu cầu tòa cho ý kiến về quan điểm, yêu cầu của mình: Trước khi trình bày quan điểm và yêu cầu, các bên nên đề nghị tòa công khai bản án, với điều kiện là tòa phản ánh trung thành quan điểm và yêu cầu của các bên, nói rõ chấp nhận yêu cầu nào, bác bỏ yêu cầu nào và lý do.
4/Làm quan điểm ngắn gọn, dưới dạng văn bản, gạch đầu dòng, dấu cộng đầu dòng, có dẫn luật, nếu cần gửi kèm văn bản pháp luật. Tất cả nộp lên để tòa tham khảo và thể hiện trong bản án. Nếu có thể và có luật sư trợ giúp với máy tính xách tay, nộp USB với những chỉnh sửa sau khi tranh tụng tại tòa.