DÂN SỰ:CÁCH ĐỂ ĐƠN KIỆN ĐƯỢC THỤ LÝ VÀ THẮNG

DÂN SỰ:CÁCH ĐỂ ĐƠN KIỆN ĐƯỢC THỤ LÝ VÀ THẮNG
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
  • Cần có bước đi phù hợp để đơn kiện được thụ lý và thắng kiện
    Cần có bước đi phù hợp để đơn kiện được thụ lý và thắng kiện
          Tòa án có năm làm việc khác người. Các bộ, ngành, tập đoàn, doanh nghiệp… có năm làm việc từ 01/01 đến 31/12, trùng với một quyển lịch. Năm làm việc tòa án thường từ 01/10 của năm nay đến hết 31/09 năm sau. Thẩm phán phải xử xong các vụ án được phân công trong thời gian này. Tháng 07, 08, 09 thẩm phán thường tránh nhận vụ án mới. Các vụ án dân sự thường kéo dài ít nhất 01 năm. Một vụ nhận vào 01/07 chẳng hạn sẽ không thể được xử trước 31/09 năm đó. Mà nếu không xử được đúng hạn, thẩm phán sẽ bị đánh giá về năng lực hoàn thành công việc. Vì vậy, tháng 10 hàng năm là tháng “ vàng “ kiện cáo sau mấy tháng đóng băng. Các đơn kiện sẽ được xem xét thụ lý vào thời gian này.
Các đơn kiện có thể được thụ lý gồm nhiều dạng, có thể là về dân sự, hôn nhân – gia đình, kinh doanh – thương mại, lao động…Mỗi dạng như vậy lại chia nhỏ nữa. Về dân sự có thể có tranh chấp hợp đồng, tranh chấp tài sản, bồi thường thiệt hại… Về hôn nhân – gia đình có thể có ly hôn, tranh chấp tài sản chung, tranh chấp con cái… Về kinh doanh – thương mại có thể có tranh chấp về điều hành, cổ phần, quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ… Về lao động có thể có tranh chấp về sa thải, ương thưởng, bồi thường thiệt hại…
         Các bên tham gia vụ kiện dân sự gồm nguyên đơn – người đi kiện, bị đơn – người bị kiện, người có quyền lợi – nghĩa vụ liên quan – người có thể chịu thiệt hay được lợi trong vụ kiện cáo. Có thể có thêm người làm chứng, người giám định, người phiên dịch…
          Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi – nghĩa vụ liên quan được đưa ra yêu cầu. Ai đưa yêu cầu, người đó phải chứng minh yêu cầu là phù hợp. Để chứng minh, các chứng cứ được sử dụng. Chứng cứ có thể là lời chứng của người biết việc, văn bản, giấy tờ, hóa đơn, ảnh chụp, video clip…Đương sự có thể tự đi thu thập, yêu cầu luật sư đi thu thập, hoặc có thể nhờ tòa thu thập. Nếu yêu cầu là đòi một khoản tiền, mảnh đất, món bồi thường… sẽ phải chuẩn bị đóng tạm ứng án phí khoảng 2,5% giá trị đòi. Ngoài ra, đương sự cũng nên tính đến các chi phí có thể có như giám định, định giá.
          Trong vụ dân sự, đương sự có thể gặp phải nhiều vấn đề. Có thể là yêu cầu thiếu chuẩn xác hay thiếu tính toán. Ví dụ yêu cầu bồi thường thiệt hại quá cao, yêu cầu chia tài sản thay vì chia thừa kế, hoặc đưa ra yêu cầu chia 1000m2 đất trong khi chỉ đủ tiền tạm ứng án phí cho 100m2…Hoặc thiếu chứng cứ ủng hộ yêu cầu.
         Bạn làm gì để vụ khởi kiện được tòa xem xét và nhất là có thể thắng kiện?
1/Đánh giá cơ hội. Kết quả vụ kiện sẽ là thắng hoặc thua. Kiện cáo là quá trình tốn kém thời gian và tiền bạc. Bạn nên có đánh giá về khả năng thắng/thua. Từ đó có bước đi cụ thể tiếp theo.
2/Khi đánh giá là nên kiện, bạn nên có quá trình chuẩn bị. Tìm hiểu địa chỉ bị đơn, người có quyền lợi – nghĩa vụ liên quan, chuẩn bị các giấy tờ, chứng cứ cần thiết. Đi thu thập các chứng cứ cần thiết. Nên có luật sư để xác định các bước đi cụ thể.
3/Nên chuẩn bị về tài chính để theo kiện. Bạn phải đóng tạm ứng án phí. Ngoài ra có thể bạn phải chi cho các yêu cầu như đo đạc, định giá, giám định chữ kí…Thuê luật sư hay người đại diện cũng là khoản chi cần thiết vì họ giúp bạn dành chiến thắng.
4/Khi làm đơn, nên xác định yêu cầu cụ thể và chính xác. Nên có chứng cứ ủng hộ yêu cầu. Các chứng cứ cần giải thích bằng văn bản. Vì vậy cần có hồ sơ khởi kiện gồm đơn và giấy tờ kèm theo.
5/Nên chuẩn bị phương án hòa giải. Đã là hòa giải thì bạn nên xác định một kết quả đủ chấp nhận được, không cần tuyệt đối như trong yêu cầu được viết trong đơn. Đổi lại, bạn có thể mau chóng có các giá trị thật sự, tránh cuộc chiến lâu dài cân não.