DÂN SỰ: CÁCH CHIẾN THẮNG VỚI CHỈ MỘT LẦN THUÊ LUẬT SƯ

DÂN SỰ: CÁCH CHIẾN THẮNG VỚI CHỈ MỘT LẦN THUÊ LUẬT SƯ
-Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
Nên cân nhắc nếu muốn thay luật sư đã thuê
Nên cân nhắc nếu muốn thay luật sư đã thuê
          Trong một vụ dân sự, người ta sẽ phải trải qua phiên sơ thẩm và phúc thẩm. Sơ thẩm là giai đoạn quan trọng nhất để có chiến thắng. Luật sư sẽ đánh giá vụ việc, làm đơn, chuẩn bị hồ sơ, thu thập chứng cứ, tập cách khai cho khách hàng và cùng họ lên tòa. Thắng thua phụ thuộc vào nhận thức, hành động của luật sư tại sơ thẩm. Lên phúc thẩm, mục tiêu hoặc là bảo vệ chiến thắng, hoặc lật ngược kết quả bất lợi. Cơ bản, luật sư dùng lại cái đã có tại sơ thẩm. Tuy vậy, nếu khách hàng thấy luật sư sơ thẩm không hiệu quả, họ có thể thay ngựa. Luật sư mới có thể có hướng tác nghiệp hoàn toàn khác. Luật sư thường đề cao cá nhân. Cách làm của anh/chị ta là nhất. Họ không dễ thừa nhận và tiếp tục cái hay của người khác. Chuyện một vụ án dân sự, luật sư trẻ, ít tiếng tăm nhưng giúp khách hàng thắng ở sơ thẩm, lên phúc thẩm, khách hàng thuê luật sư nổi tiếng mà lại thua, là chuyện quá bình thường.
          Vậy, trong vụ án dân sự, người ta nên thuê một luật sư tại sơ thẩm, lên phúc thẩm thuê luật sư khác không? Câu trả lời theo chủ quan người viết: Không nên, có kèm điều kiện. Điều kiện là:
-Khách hàng nhận thức được tình thế pháp lý của mình, hiểu được mình hướng tới cái gì khi kiện.
-Khách hàng có được giải pháp của luật sư để đạt được cái đó.
-Khách hàng hiểu và được hướng dẫn để hoàn thành nhiệm vụ của mình trong vụ án.
-Luật sư có nhìn nhận, cách làm phù hợp. Luật sư theo sát diễn biến quá trình giải quyết vụ án, kịp thời phản ứng khi vụ việc có diễn biến mới.
          Những gạch đầu dòng trên được khách hàng và luật sư làm từ khi khách hàng gặp luật sư cho đến khi có án sơ thẩm. Sau khi có án sơ thẩm, khách hàng đối chiếu với cái mà mình hướng tới xem đã đạt chưa, nếu chưa thì tìm hiểu tại sao chưa. Thực sự, nhiều vụ dân sự không dể đoán, chỉ làm mới biết cái kết. Nếu kết quả sơ thẩm không như kỳ vọng và vẫn có khả năng cải thiện bằng phương án tiếp cận mới, hoặc tìm ra chứng cứ mới, khách hàng mới nên đổi luật sư. Và các gạch đầu dòng trên nên tiếp tục được thực hiện với luật sư mới.
          Với sự nhìn nhận và cách làm đúng, ngay cả khi phải lập lại những gì đã làm ở sơ thẩm, luật sư sơ thẩm vẫn làm tốt hơn luật sư khác. Tất nhiên điều đó chỉ đúng với các gạch đầu dòng trên.
          Tóm lại, trong vụ án dân sự, cái dùng để đánh giá luật sư, đồng thời xác định sau khi kết thúc sơ thẩm, có nên có luật sư mới không, là:
1.Có một mục tiêu cụ thể nhắm tới: Theo kiện vì tiền hay vì danh dự. Nếu vì tiền thì xác định nhận bao nhiêu, bằng tiền, bằng đất, bằng cổ phiếu... Nếu vì danh dự thì đến mức độ nào thì thỏa mãn.
2.Cùng với cung cấp mục tiêu cụ thể, luật sư phải cung cấp cách đi đến đích. Cụ thể luật sư làm gì, khách hàng được luật sư hướng dẫn làm gì.
3.Khi có án sơ thẩm, cùng luật sư xem xét các mục tiêu đạt được chưa. Nếu chưa thì tại sao. Có thể cải thiện được kết quả không. Nếu có thì bằng cách nào.
4.Chỉ nên thuê luật sư mới nếu mục tiêu chưa đạt được và có thể có nhiều hơn bằng cách giải quyết vụ án khác, có chứng cứ mới. Đánh giá luật sư mới cũng thông qua xác định mục tiêu và cách làm.
5.Nên có đầy đủ hồ sơ, tài liệu về vụ án, bản án liên quan. Đây là các giấy tờ cần thiết để giải quyết vụ án tại các giai đoạn khác nhau, để các luật sư khác nhau có thể tham gia giải quyết.