DÂN SỰ:CÁC CÂU HỎI ĐỂ ĐÁNH GIÁ NÊN KIỆN KHÔNG?

DÂN SỰ:CÁC CÂU HỎI ĐỂ ĐÁNH GIÁ NÊN KIỆN KHÔNG?
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
    Trước khi kiện cần có nhận định kỹ về vụ án
    Trước khi kiện cần có nhận định kỹ về vụ án
  •  
          Người đi kiện có thể có nhiều mục đích. Có thể vì danh dự, kiện để người ta phải nể mình. Có thể do muốn mọi thứ rõ ràng, việc lình xình quá lâu, kiện ra tòa để có phán quyết dứt điểm. Có thể vì lợi ích vật chất, vì tiền, vì nhà, vì đất … chẳng hạn. Với mục đích kiện thứ ba, người ta cần nhận định, đánh giá khách quan về vụ việc trước khi đâm đơn ra tòa.
          Nhận định là việc dựa vào thông tin mình có, mình biết để đưa ra câu trả lời: Nên kiện hay không? Nên kiện là tình huống mà người đi kiện có thể thắng, và nếu thắng thì lợi ích vật chất thu lại nhiều hơn chi phí bỏ ra. Việc nhận định cung cấp cái nhìn khách quan về vụ việc, tránh sự lạc quan, hồ hởi thái quá. Nó cho phép người ta có sự chuẩn bị tốt trước và trong quá trình kiện. Nếu nhận định chuẩn xác về vụ việc, người đi kiện cũng tránh được các loại “ cò kiện “, chạy án…
          Giả định bạn có câu trả lời cho câu hỏi: Nên kiện hay không? Và câu trả lời là nên kiện. Bạn nên nghĩ thêm:
-Thuận lợi gì khi kiện cáo?
-Khó khăn gì khi kiện cáo?
Việc này cần có các chuyên gia, luật sư giúp bạn.
         Dưới đây là một số chia sẻ về việc nhận định một vụ việc.
1/Trước tiên nên trả lời câu hỏi kiện hay không? Bạn nên trả lời một số câu hỏi nhỏ hơn: Vụ việc còn thời hiệu kiện không? Đã được giải quyết bằng bản án, quyết định nào đó chưa? Bạn có quyền kiện không? Kiện cái gì? Tòa án ở đâu nhận đơn của bạn?
2/Tiếp theo là trả lời câu hỏi thuận lợi khi kiện cáo là gì? Thuận lợi là những cái khiến việc kiện cáo có cơ hội thắng hoặc dễ dàng hơn. Có thể là về nội dung: Bạn có thế pháp lý cao hơn đối phương, ví dụ bạn là chủ nợ, đối phương gây thiệt hại mà bạn không có lỗi ( đi xe ngược chiều, bị hành hung vô cớ… ). Cũng có thể là về thủ tục: Bạn có đầy đủ giấy tờ tài sản; bạn ở tuổi miễn án phí; bạn biết và có xác nhận địa chỉ của bị đơn, người có quyền nghĩa vụ liên quan…
3/Sau là câu hỏi khó khăn gì khi kiện cáo: Khó khăn là những cái khiến việc kiện cáo không thể thắng hoặc khó khăn khi giải quyết. Có thể là khó khăn nếu đối thủ kiện ngược, ví dụ bạn đòi chia thừa kế nhà đất anh chị em đang chiếm giữ, họ cũng đòi chia nhà đất của bạn. Cũng có thể là khó khăn về thủ tục: Bạn không đủ giấy tờ cần thiết, bạn không biết địa chỉ của người liên quan.
4/Bước đi cụ thể: Sau khi đã biết nên kiện không, thuận lợi, khó khăn, bạn nên có một chương trình hành động. Có thể viết ra giấy: Làm đơn – Chuẩn bị hồ sơ – Thu thập thêm thông tin – Nộp đơn – Chỉnh sửa – Nộp lại. Đừng quên chuẩn bị kinh phí kiện, gồm tạm ứng án phí và các chi phí như đo đạc, định giá, giám định…
5/Nghĩ đến việc có một người trợ giúp pháp lý. Một mặt, đưa cho họ xem hồ sơ, thông tin vụ việc, trình bày cho họ. Mặt khác nên hỏi họ những câu hỏi như trên: Nên kiện không? Thuận lợi gì? Khó khăn gì? Phương án cụ thể? Chi phí?