DÂN SỰ: BỐN ĐIỀU CẦN LƯU Ý NẾU MUỐN THẮNG CÔNG TY BẢO HIỂM NHÂN THỌ
DÂN SỰ: BỐN ĐIỀU CẦN LƯU Ý NẾU MUỐN THẮNG CÔNG TY BẢO HIỂM NHÂN THỌ
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Có thể thắng đội ngũ pháp lý hùng hậu của công ty bảo hiểm nếu người mua dám kiện ra toà
Công ty bảo hiểm, thông qua đội ngũ đại lý, tiếp cận người mua. Người mua lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp. Đại lý kê khai thông tin để công ty báo hiểm đánh giá tiêu chuẩn. Sau đó, các Bên ký hợp đồng. Người mua nộp tiền và đóng tiền định kỳ.
Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, công ty bảo hiểm xem xét và thanh toán tiền bảo hiểm theo hợp đồng. Các trường hợp được thanh toán thường là: Người mua chết tự nhiên; người mua bị bệnh, bị thương tật. Các khoản được chi trả, hỗ trợ có thể là: Viện phí, chi phí khám chữa bệnh, khoản tiền cam kết theo hợp đồng trả cho người thụ hưởng khi người được bảo hiểm chết, các khoản khác...
Việc tranh chấp giữa người mua, người thụ hưởng và công ty bảo hiểm được ví dụ từ vài trường hợp sau:
- Người mua bảo hiểm kiện ra tòa đòi lại tiền vì cho rằng đại lý không nộp lại tiền cho công ty bảo hiểm. Năm 2019, tòa tỉnh Bắc Giang xử vụ ông T. kiện bà C. là đại lý công ty bảo hiểm B. chi nhánh Bắc Giang. Tháng 06/2014, qua bà C., ông ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho con trai và nộp hơn 7 triệu đồng. Tháng 01/2015, con trai ông bị tai nạn gãy xương bàn chân phải điều trị nắn, bó bột. Công ty bảo hiểm đã trả 500 000 đ cho con trai ông. Do số tiền quá ít, ông T. cho rằng bà C. đã không nộp tiền phí bảo hiểm cho công ty nên kiện ra tòa đòi lại. Tòa xử bác yêu cầu ông T. vì công ty bảo hiểm khẳng định bà C. đã nộp lại tiền.
- Người thụ hưởng kiện ra tòa đòi công ty bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng. Năm 2007, Tòa án Nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xử phúc thẩm vụ kiện của bà N.với công ty bảo hiểm P. Bà N.là con gái ông D. Bà mua bảo hiểm nhân thọ của công ty P.cho bố tháng 11/2003. Tháng 07/2006, ông D.mất. Bà đề nghị công ty trả cho bà là người thụ hưởng số tiền 30 triệu đồng. Công ty P.không chấp nhận. Lý do: Khi kê khai với đại lý, bố bà không nói bị xơ gan, suy thận, tai biến mạch máu não từ trước...Bà N. kiện ra tòa. Tòa tỉnh đã xử thắng cho bà, buộc công ty bảo hiểm trả bà 30 triệu đồng. Công ty kháng cáo. Tòa phúc thẩm nhận định bố bà vi phạm nghĩa vụ khai báo. Do có lỗi như vậy nên công ty đáng ra không phải thanh toán toàn bộ 30 triệu như sơ thẩm tuyên. Công ty chấp nhận trả cho bà N.số tiền 15 triệu đồng.
- Cũng vẫn người thụ hưởng kiện đòi công ty bảo hiểm trả tiền theo hợp đồng. Năm 2009, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xử phúc thẩm vụ bà T.kiện công ty bảo hiểm P. Năm 2005, chồng bà là L.mua bảo hiểm nhân thọ của công ty. Ngày 24/06/2005, ông L.phải đóng tiền bảo hiểm lần 2 nhưng sau khi được gia hạn 2 tháng, tức là 24/08/2005, ông vẫn không đóng. Đến 27/08/2005, ông mất. Tức là đã quá hạn 2 ngày. Vợ ông, bà T. là người thụ hưởng, yêu cầu công ty trả tiền nhưng công ty không trả. Bà kiện ra tòa đòi 300 triệu theo hợp đồng và 126 triệu tiền lãi. Tổng cộng 426 triệu. Tại sơ thẩm, bà thua. Tại phúc thẩm, bà đòi được phần gốc 300 triệu. Lý do: Tòa cho rằng ông L.không đóng được tiền bảo hiểm dẫn đến quá hạn là do bà N.- đại lý, bận công việc không đến thu được tiền ông L.nên lỗi không phải do ông. Còn tại sao không bắt công ty trả nốt 126 triệu tiền lãi là vì khoản này không được nói đến trong hợp đồng bảo hiểm.
Như vậy, một số dạng kiện cáo điển hình liên quan đến bảo hiểm nhân thọ là: Kiện cáo liên quan đến đại lý; kiện cáo vì không trung thực khi cung cấp thông tin. Còn một dạng nữa cũng hay gặp là kiện cáo liên quan đến tiền chi trả, ví dụ: Đáng phải trả từng này tiền, và thực tế người mua bảo hiểm đã chi như vậy, nhưng do thiếu hóa đơn chứng từ, hóa đơn chứng từ không được công ty bảo hiểm chấp nhận nên chỉ được trả từng kia.
Một số cách thức đáng xem xét khi kiện công ty bảo hiểm để đòi tiền bảo hiểm nhân thọ là:
1. Không ngại đối đầu công ty bảo hiểm. Công ty bảo hiểm thường dùng hợp đồng phức tạp, nhiều thuật ngữ khó để đặt mình vào thế an toàn. Họ cũng có đội ngũ pháp lý hùng hậu, quy trình hoạt động chặt chẽ. Họ thường vin vào câu chữ hợp đồng để từ chối chi trả. Tuy nhiên, người mua hay người thụ hưởng dám đưa vụ việc ra tòa, nhất là sau khi tham khảo người hiểu biết pháp luật, cơ hội thắng kiện là không nhỏ.
2. Không hợp đồng nào, dù soạn kỹ tới đâu, đủ kín kẽ. Hợp đồng bảo hiểm được tham khảo từ mẫu nước ngoài, được các chuyên gia pháp lý giỏi của công ty bảo hiểm soạn. Tuy nhiên, kín mấy cũng có chỗ hở. Ví dụ, công ty bảo hiểm thường vin vào lý do người mua vi phạm nghĩa vụ khai báo bệnh tình để từ chối chi trả, tuy nhiên, hợp đồng không nói rõ không khai báo những bệnh gì mới không phải chi trả. Những chỗ mập mờ hay chưa được quy định trong hợp đồng, tòa án thường giải thích có lợi cho người mua.
3. Thu thập đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh chi phí. Công ty bảo hiểm thường chối bỏ các chi phí mà họ cho là không chính đáng, ví dụ chỉ tính những hóa đơn khám bệnh ở những cơ sở y tế nhất định. Người mua bảo hiểm, trường hợp xảy ra thiệt hại, mất mát sức khỏe nên thu thập đầy đủ hóa đơn chứng từ. Nhiều chi phí trong số đó sẽ được tòa chấp nhận.
4. Làm rõ quan hệ giữa công ty bảo hiểm và đại lý. Người mua thường chỉ biết đến đại lý, có khi chưa từng nhìn thấy trụ sở công ty bảo hiểm. Không phải đại lý nào cũng làm đúng. Có thể câu hỏi ai sai, công ty bảo hiểm hay đại lý, chỉ được làm rõ khi người mua hay người thụ hưởng kiện công ty bảo hiểm ra tòa.
Share :