DÂN SỰ: BỊ ĐƠN LÀM GÌ ĐỂ THẮNG VỤ KIỆN

DÂN SỰ: BỊ ĐƠN LÀM GÌ ĐỂ THẮNG VỤ KIỆN
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư  Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
  • Bị đơn có nhiều cơ hội chiến thắng nếu có luật sư
    Bị đơn có nhiều cơ hội chiến thắng nếu có luật sư
          Trong vụ án dân sự, bị đơn được hiểu là người bị kiện. Bị đơn có thể là con nợ, người gây tai nạn, người nắm giữ tài sản không chia cho người khác… Khi có đơn kiện, tòa xem xét có thể giải quyết vụ việc được không. Nếu có thể, tòa thụ lý đơn kiện, tòa chủ động liên lạc với bị đơn theo địa chỉ nguyên đơn cung cấp. Bị đơn được báo là có người kiện mình và được tòa yêu cầu lên làm việc. Tòa sẽ yêu cầu bị đơn cho biết ý kiến bằng văn bản về cái mà nguyên đơn kiện. Văn bản ghi ý kiến bị đơn phải gửi lên tòa sau ba ngày kể từ khi bị đơn lên tòa và biết người ta kiện mình.
          Nhiều người có phản ứng không đúng khi biết bị kiện. Hoặc lên tòa làm ầm ĩ, hoặc lờ luôn thông báo của tòa, coi như không có gì xảy ra. Kết quả là họ nhận được sự ác cảm của thẩm phán. Tệ hơn, việc không chịu lên tòa để lại hậu quả khôn lường. Do không có phản biện về các chứng cứ, yêu cầu từ phía bị đơn, tòa thường tuyên các yêu cầu của nguyên đơn được đáp ứng. Bị đơn là người thua kiện.
         Có vẻ như một khi đơn kiện được thụ lý, yêu cầu của nguyên đơn phần nào được đáp ứng. Đơn giản là vì nguyên đơn thường là phía có quyền lợi bị xâm phạm. Tình huống của họ đã được luật sư phân tích. Khi thấy cơ hội chiến thắng, luật sư sẽ yêu cầu thân chủ - nguyên đơn làm đơn kiện. Việc kiện cáo có thể là bước đi đầu tiên để nguyên đơn giành chiến thắng. Chắc chắn nó đã được nghiền ngẫm, tính toán, lên kế hoạch.             Nếu bị đơn cũng có luật sư, luật sư sẽ cung cấp cái nhìn toàn cảnh về tình huống của bị đơn, đưa ra cách thức tận dụng lợi thế mà bị đơn đang nắm giữ. Vấn đề tiên quyết: Bị đơn phải tham gia giải quyết vụ án tại tòa.
         Một số chia sẻ với bị đơn để giành phần thắng.
1/Tham gia giải quyết việc từ khi tòa thông báo. Lên tòa và yêu cầu cho phô tô đơn kiện, các văn bản, chứng cứ mà nguyên đơn gửi cho tòa. Trả lời chung chung vào văn bản ghi ý kiến: Không chấp nhận yêu cầu nguyên đơn và xin phép trình bày chi tiết sau.
2/Xác định cách thức giải quyết vụ việc của bị đơn. Cách thức thường là phản bác yêu cầu nguyên đơn; xem xét đưa ra yêu cầu mới với nguyên đơn; chỉ ra những điều bất cập trong chứng cứ mà nguyên đơn nộp cũng như trong quá trình tòa giải quyết việc; nêu yêu cầu bổ xung, đánh giá chứng cứ của mình.
3/Xác định chiến thuật giải quyết vụ việc. Đưa ra mọi chứng cứ, yêu cầu đối chọi lại nguyên đơn từ phiên sơ thẩm hay để lên phiên phúc thẩm tạo ra sự bất ngờ với đối phương.
4/Quan tâm thích đáng đến việc hòa giải. Không cần căng thẳng gay gắt. Không cần ăn thua quyết liệt. Tính toán thiệt hơn để xác định hòa giải hay tiếp tục kiện cáo. Có chiến thuật hòa giải phù hợp, đảm bảo giữ lợi ích và kết thúc kiện cáo.
5/Có luật sư dẫn dắt để giải quyết tất cả các việc trên.