DÂN SỰ: 5 CÁCH TRÁNH MẤT TIỀN GIÁM ĐỐC THẨM

DÂN SỰ: 5 CÁCH TRÁNH MẤT TIỀN GIÁM ĐỐC THẨM
-Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội-
Tỉnh táo tránh mất tiền oan cho dây chạy án giám đốc thẩm
Tỉnh táo tránh mất tiền oan cho dây chạy án giám đốc thẩm
     Thực tế là có các đường dây chạy án. Án được chạy là án hình sự, dân sự. Ít hơn là án kinh doanh – thương mại. Về dân sự, đáng kể là các đường dây chạy án giám đốc thẩm. Người của dây có thể là luật sư, người xưng có ảnh hưởng… Cách chạy, thường là kêu người thua kiện đưa một cục tiền lớn để đi quan hệ. Tinh vi hơn, có loại không cầm tiền trước. Đám này có ít kiến thức luật, đọc án phúc thẩm thấy nếu kiện giám đốc thẩm thì có cơ lật ngược bản án nên cam kết làm đơn hộ, chuẩn bị hồ sơ, nộp lên tòa cấp cao. Nếu được tuyên thắng kiện, bọn họ thỏa thuận chia phần với người đi kiện. Thực sự chỉ té nước theo mưa.
     Đám chạy án có làm được việc không? Cứ như lời họ nói, họ thần thông quảng đại, cải tử hoàn sinh. Án qua tay luật sư, mấy năm không suy xuyển. Qua tay họ chỉ sau mấy tháng là người ta được nhà được đất. Thực hư thì bạn phải xem các con số. Theo Chánh án Tòa án Tối cao, năm 2019, tòa án đã giải quyết 9198 đơn khiếu kiện, kháng nghị giám đốc thẩm 491 vụ, chiếm 5,3% số vụ. Đó mới chỉ là số được xem xét giám đốc thẩm, số từ thua thành thắng có khi chỉ 1%. Bạn có dám đi buôn khi cơ hội lãi chỉ là 1%?
     Tố tụng dân sự có một số quy định giám đốc thẩm. Nó nằm từ điều 325 đến 350 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Đại ý: Giám đốc thẩm là việc xử lại các bản án đã có hiệu lực pháp luật ( thường là phúc thẩm ) mà bị kháng nghị ( tức là bị yêu cầu xử lại ). Người yêu cầu xử lại này là Chánh án Tòa án Nhân dân Cấp cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao. Điều này nghĩa là bạn phải gửi đơn, hồ sơ, bản án yêu cầu xử lại tới các vị này. Thời hạn để bạn yêu cầu xử lại chỉ là 01 năm kể từ ngày án có hiệu lực. Một năm một ngày kể từ khi bạn nhận được bản án phúc thẩm, luật sư của bạn mới phát hiện ra sai lầm, cuộc chơi của bạn cũng chấm dứt. Việc xử của tòa theo kiểu đóng cửa. Luật sư của bạn cơ bản không thể nói năng, phản đối, bỏ về… vì anh/chị ta thường không được mời đến. Đây là việc riêng Ủy ban Thẩm phán Tòa cấp cao hoặc Hội đồng Thẩm phán Tòa Tối cao. Án giám đốc thẩm thường theo kiểu giữ nguyên án cũ, hoặc hủy án cũ xử lại từ đầu, hoặc tuyên án mới ngay trong bản án giám đốc thẩm. Bạn mà được tuyên hủy án xử lại, đừng tưởng là thắng vì chiến thắng này khiến bạn kiệt quệ. Các tòa đã xử trước đó lại tiếp tục xử. Cơ hội để họ tuyên ngược với cái họ đã tuyên khá hiếm. Nếu họ tuyên giống bản án khiến bạn đã bất mãn, có thể bạn lại phải đẩy vụ việc lên giám đốc thẩm lần nữa. Như vậy, lấy lý mà suy thì khả năng để các dây chạy án cải tử hoàn sinh vụ của bạn là quá nhỏ.
     Tuy vậy, khi bạn có bản án khiến bạn không tâm phục khẩu phục, rất có thể bạn gặp một ảo thuật gia thao thao bất tuyệt về khả năng lật ngược tình thế, quan hệ, kinh nghiệm, vị thế… của hắn. Hắn đề nghị bạn bán nhà, cắt đất cho hắn để hắn giúp bạn chơi tới cùng. Bạn nên làm gì? Bạn có nên giám đốc thẩm không? Để tìm câu trả lời, bạn nên:
1.Xem xét đánh giá cơ hội giám đốc thẩm của bạn. Việc xem xét nên diễn ra ngay sau khi án có hiệu lực. Có sai lầm kiểu ngụy tạo chữ ký, thiếu người liên quan, hay phát hiện thẩm phán xét xử đầu tư làm ăn với phía bên kia vào thời điểm xử… hay không. Một luật sư giàu kinh nghiệm sẽ giúp ích cho bạn.
2.Khi luật sư đánh giá cơ hội của bạn lật ngược tình thế là lớn, hoặc bạn muốn thử vận may, hãy xác định yêu cầu giám đốc thẩm dưới dạng: Làm đơn từ, hồ sơ, văn bản giải thích chứng cứ.
3.Bạn nên xác định đơn từ, hồ sơ, văn bản giải thích là cái mà tòa giám đốc thẩm căn cứ vào đó để xem xét có nên xử lại không. Vì vậy hãy chú trọng khâu này. Bạn nên phân tích rõ án đã tuyên sai lầm ở chỗ nào. Bạn cũng nên có văn bản giải thích hồ sơ, chứng cứ gửi kèm. Nó là cái gì? Nó phản ánh điều gì? Tại sao bạn có nó?...Bạn không thể làm được việc này nếu không có luật sư.
4.Bạn làm thành nhiều bộ hồ sơ đề nghị giám đốc thẩm, gửi cấp tập, đích danh tên vị Chánh án Tòa án Cấp cao hoặc Viện trưởng Viện Kiểm sát Cấp cao. Gửi trong thời gian dài.
5.Từ chối mọi dạng chạy chọt giám đốc thẩm, hoặc săn giải thưởng. Với đương sự, giám đốc thẩm thuần túy là việc lập luận bằng đơn từ, hồ sơ. Bạn chỉ cần làm tốt khâu này.