DÂN SỰ: 4 GỢI Ý ĐỂ CHIA TÀI SẢN CHUNG

DÂN SỰ: 4 GỢI Ý ĐỂ CHIA TÀI SẢN CHUNG
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Khi chia tài sản chung nên có tư vấn của luật sư
    Khi chia tài sản chung nên có tư vấn của luật sư
Xác định phần của ai trong khối tài sản luôn khó khăn. Nó chứa đựng mâu thuẫn. Kiện cáo cũng nảy sinh từ đó. Với thứ xác định từ đầu tỷ lệ góp : 7 – 3, 90 – 10,...kiểu làm ăn, mua chung ...  thì cũng đã không dễ chia. Với thứ không xác định được phần cụ thể, ví dụ như khi xây nhà, người góp của, kẻ góp công, việc chia chác thật gian nan. Sự gian nan có thể do vài người góp vốn không muốn chia, hoặc ai đó là đồng sở hữu không muốn nhìn mặt người kia, hoặc một người cần tiền muốn rút lui sớm...
Về luật mà xét, qui định về tài sản nằm trong nhiều văn bản. Về sở hữu, tài sản có thể chia ra: 1.Tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất và 2. Tài sản thuộc sở hữu chung theo phần. Các đồng sở hữu có thể thỏa thuận với nhau về phần của mình, về cách quản lý tài sản, về cách thức, điều kiện ăn chia... Các loại thỏa thuận, biên bản, hợp đồng, từ là góp vốn kinh doanh, đầu tư, đến cả hợp đồng hôn nhân ... được sinh ra. Mục đích là giảm thiểu mâu thuẫn, duy trì sự vận hành bình thường. Luật sư cũng có việc.
Tuy vậy, giống như mọi thứ ra đời từ đầu óc con người, các thỏa thuận, biên bản, hợp đồng ... đều có chỗ hở. Không luật sư nào lường được hết khả năng tranh chấp và rào dậu kín kẽ trong “ kiệt tác “ của mình. Chia chác tài sản chung, hợp nhất hay theo phần, hàm chứa khả năng gặp phải các rủi ro sau:
-Một trong số các bên đồng sở hữu tài sản chung không đồng ý chia. Có thể họ nắm tỉ trọng lớn trong khối tài sản, muốn giữ tài sản là của mình. Hoặc tài sản đang, hứa hẹn ăn nên làm ra. Hoặc họ muốn bán lại cho ai đó khác...
-Không thống nhất giá trị tài sản. Ngay cả khi các bên đồng ý bán tài sản chia phần, bán với giá bao nhiêu cũng là vấn đề xảy ra tranh cãi.
-Không thống nhất cách chia. Giả định tài sản đã được bán, chia số tiền bán được cách nào cũng là cả vấn đề. Cụ thể: Ai nhận tiền và nhận bao nhiêu? Chưa nói tới cả khối tài sản, cái bán được và cầm tiền, cái không bán được, ai cầm tiền, ai lấy lại một phần tài sản trong khối?...
-Không thống nhất cách xử lý các món nợ. Thống nhất cách chia nhưng không thống nhất cách xử lý các món nợ cũng tạo ra vấn đề. Điều này thường xảy ra trong việc phân chia tài sản vợ chồng trong hôn nhân, một trong hai người có thể có các món nợ và muốn người kia cùng gánh, nhưng người kia thoái thác.
-Không thống nhất phương thức thanh toán. Một người muốn sớm cầm tiền, thậm chí muốn những người khác ứng trước, trước khi bán được tài sản chẳng hạn, cũng có thể gây ra tranh chấp.
-.v.v...
Vậy nên, để việc chia chác một khối tài sản chung – hợp nhất hay theo phần – được hanh thông, những đồng sở hữu hãy thử:
1.Xác định “ thế “ của mình so với các đồng sở hữu. “ Thế “ ở đây được hiểu là tỷ lệ phần trăm đóng góp của mình trong khối tài sản chung này, hoặc là tiền bạn góp để mua tài sản, hoặc công sức đóng góp – để sử dụng, quản lý, khai thác, gia tăng giá trị tài sản. Từ đó, bạn xác định được cách thức chia chác phù hợp.
2.Xác định một phương án ăn chia cụ thể. Ngoài lợi ích bạn muốn, hẳn nên hài hòa lợi ích người khác. Vậy, bạn nên xác định rõ: Khi chia tài sản chung đó, bạn muốn nhận về những gì? Tiền? Hiện vật? Số lần nhận? Hãy ưu tiên việc duy trì vận hành, sản sinh giá trị kinh tế bình thường của tài sản.
3.Giành một, vài buổi đàm phán chia tài sản chung. Thu thập thông tin cần thiết trong buổi đàm phán: Đề nghị chụp tài liệu, ghi biên bản nếu có thể... Đưa ra các yêu cầu rõ ràng.
4.Hãy tính đến tình huống sau cùng là đưa vụ việc ra tòa. Vì vậy, nên làm việc với luật sư để có cách thu thập, giải thích chứng cứ hợp lý có lợi. Nên chuẩn bị một khoản tiền để theo kiện.