DÂN SỰ: 4 ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI LÀM HỒ SƠ GIÁM ĐỐC THẨM
DÂN SỰ: 4 ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI LÀM HỒ SƠ GIÁM ĐỐC THẨM
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Nên nộp hồ sơ giám đốc thẩm chứ không phải chỉ một cái đơn
Việc xét xử của tòa án Việt Nam đảm bảo ở mức không có quá nhiều yêu cầu giám đốc thẩm được xem xét. Nghĩa là không có quá nhiều sai lầm. Tuy vậy, người thua trong các vụ sơ thẩm, phúc thẩm dân sự vẫn thường chọn làm đơn yêu cầu giám đốc thẩm. Có những đường dây chạy giám đốc thẩm được nói đến chỗ này chỗ khác, hoặc đảm bảo lật án với số tiền lớn, thậm chí không thắng không phí, chỉ hưởng theo phần trăm thắng kiện…
Thực tế, các luật sư vẫn nhận soạn đơn từ, chuẩn bị hồ sơ nếu khách hàng yêu cầu trợ giúp để vụ án được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Luật sư sẽ đọc lại bản án sơ thẩm, phúc thẩm, đối chiếu với hồ sơ, chứng cứ mà khách hàng cung cấp để xác định có hay không sai lầm nghiêm trọng, từ đó xác định có nên làm đơn giám đốc thẩm không. Với thủ tục giám đốc thẩm, tòa án chỉ xem xét đơn từ của đương sự đưa lên, không trực tiếp gặp, làm việc với họ, nên ngoài đơn từ, luật sư phải chuẩn bị, sắp xếp, giải thích sự việc bằng một bộ hồ sơ giám đốc thẩm mạch lạc, logic nhất. Tòa án chắc chắn biết đơn từ, hồ sơ giám đốc thẩm mà họ đang xem xét có sự đạo diễn của luật sư. Điều này khiến vụ việc được xem xét cẩn thận hơn. Cơ hội chiến thắng của khách hàng sẽ cao hơn.
Một số chia sẻ để khách hàng có thể được xem xét giải quyết vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án dân sự:
1/Trước khi thuê luật sư làm đơn, chuẩn bị hồ sơ giám đốc thẩm, cần xem xét, đánh giá lại việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Chỉ làm giám đốc thẩm nếu như tòa án có sai lầm nghiêm trọng trong giải quyết vụ án. Chỉ có luật sư mới có thể đánh giá có hay không sai lầm nghiêm trọng và có nên làm giám đốc thẩm không?
2/Bạn phải gửi hồ sơ đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, chứ không phải chỉ một cái đơn. Trong hồ sơ cần có các bản án sơ thẩm, phúc thẩm, các lời khai, chứng cứ, đơn từ … mà bạn thu thập được, chú thích cần thiết đối với các chứng cứ, các phân tích lý do bạn yêu cầu xem xét lại bản án. Bạn không có cơ hội tranh luận đúng sai tại phiên tòa giám đốc thẩm, vì vậy hồ sơ nên chuẩn bị công phu, khiến người ta phải tính đến quan điểm của bạn khi xử giám đốc thẩm.
3/Hồ sơ giám đốc thẩm nên được gửi nhiều lần, tới các cơ quan như tòa án tối cao, Viện Kiểm sát tối cao. Nên gửi bằng thư bảo đảm, giữ cuống bưu điện. Gửi trực tiếp tại các cơ quan thẩm quyền và lấy giấy biên nhận.
4/Nên đều đặn gửi hồ sơ giám đốc thẩm sau một thời gian nhất định. Thường xuyên lên các cơ quan thẩm quyền để hỏi tiến độ xử lý hoặc thậm chí có đơn từ hỏi tiến độ xử lý.
Share :