DÂN SỰ: 4 BƯỚC CHUẨN BỊ KIỆN CHIA THỪA KẾ

DÂN SỰ: 4 BƯỚC CHUẨN BỊ KIỆN CHIA THỪA KẾ
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Kiện chia thừa kế luôn cần sự đánh giá, chuẩn bị
    Kiện chia thừa kế luôn cần sự đánh giá, chuẩn bị
     Quyền tư hữu là thứ được pháp luật bảo hộ. Với người có tài sản, vấn đề để lại cái thứ mà cả đời người ta phấn đấu luôn được đặt ra. Có thể nói, khi sự tư hữu còn tồn tại, thì việc tranh chấp thừa kế luôn xảy ra. Thực tế thì người có tài sản luôn nỗ lực dàn xếp mọi việc khi mình nhắm mắt. Các bản di chúc được họ lập. Việc tranh giành được hạn chế đáng kể.
     Có điều, không phải ai cũng kịp có di chúc. Ngay cả khi di chúc rành rành, thì hiểu và thực hiện nó thế nào lại gây ra tranh cãi mới. Biết làm sao! Mọi tính toán chu toàn nhất đều có những lỗ hổng mà muốn tính cũng không được.
     Vài nội dung căn bản nhất liên quan tới thừa kế: Thừa kế gồm thừa kế theo luật và thừa kế theo di chúc. Thừa kế theo luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc, hoặc di chúc không hợp pháp. Thừa kế theo di chúc áp dụng trong trường hợp có di chúc. Di chúc có mấy loại sau: Di chúc miệng, di chúc viết, di chúc viết có người làm chứng, di chúc viết có công chứng – chứng thực. Thời hiệu kiện chia thừa kế là 30 năm kể từ thời điểm người có tài sản mất. Các tài sản nhà nước buộc phải đăng ký như nhà đất, ô tô… muốn để lại cho con cháu, người có tài sản phải nhờ công chứng viên lập di chúc. Tài sản thừa kế phải tồn tại vào lúc kiện ra tòa…
     Nhiều người khi kiện chia thừa kế thường có ý nghĩ rằng khi ra tòa, kiểu gì họ cũng được chia. Suy nghĩ này xuất phát từ thực tế là họ là con hợp pháp của người đã khuất. Đâu dễ vậy! Người viết từng theo đuổi một vụ chia thừa kế kéo dài 5 năm, trải 5 đời thẩm phán. Người đi kiện là con trai người để lại di sản. Lý do vụ việc kéo dài thì đủ: Nào chưa tìm ra địa chỉ con nuôi con đẻ; nào người bị kiện không chịu mở cửa để đo đất; nào tạm dừng để hòa giải tự chia; có cả lý do tòa yêu cầu rút đơn để tòa đảm bảo đủ chỉ tiêu hoàn thành xét xử năm đó .v.v... Ban đầu, người đi kiện không thuê luật sư, nghĩ mọi việc rành rành rồi. Sau này, người đi kiện như lạc vào mê cung pháp luật. Đến lần đâm đơn kiện lại lần thứ 3, có luật sư can thiệp thì quyền lợi mới được bảo đảm.
     Thực tế người kiện chia thừa kế thường là con hợp pháp của người đã khuất. Đây là yếu tố đầu tiên đảm bảo thắng lợi vụ kiện. Còn cần vài yếu tố khác nữa. Vụ kiện nên được giải quyết trong quãng thời gian không quá dài. Nếu không, chỉ cần một trong mấy người con chết trong thời gian tòa giải quyết, tìm các cháu để vụ kiện được tiếp tục lại mất thời gian. Rồi các dạng trở ngại thường thấy trong vụ án dân sự: Giám định chữ viết; định giá; hủy Sổ Đỏ không? ranh giới đất cũ đến đâu? diện tích lấn ra xử lý thế nào?... Mỗi một thứ như vậy xuất hiện đều có thể khiến vụ việc rời xa đích mà người kiện nhắm tới. Do vậy, có người trợ giúp, dẫn dắt, động viên tinh thần không cũng là yếu tố quan trọng.
     Vài chia sẻ để người kiện thừa kế có chuẩn bị tốt:
1.Xem xét cơ hội kiện. Người kiện nên xem thời hiệu còn không? Tài sản còn vào thời điểm kiện không? Ngoài ra, các chứng cứ người kiện có được cũng có thể quyết định có nên kiện không. Việc này nên có sự tham gia của một luật sư.
2.Tiền có thể là vấn đề. Khi kiện đòi một tài sản, người kiện phải đóng tạm ứng án phí. Có một bảng tính tạm ứng án phí, nhưng cứ xác định vào khoảng 2,5% giá trị tài sản. Người kiện chỉ không phải đóng khoản này nếu trên 60 tuổi.
3.Liệt kê đầy đủ tên tuổi, địa chỉ hàng thừa kế. Trong một vụ kiện thừa kế, có thể có những người thừa kế khác, hoặc con cháu họ. Việc xác định đủ tên tuổi, địa chỉ của những người này cũng là vấn đề người kiện nên chuẩn bị. Việc này tưởng dễ nhưng rất có thể phải mất cả năm.
4.Thu thập thêm các chứng cứ. Trong vụ thừa kế, chứng cứ thường để chứng minh cho hàng thừa kế như nói trên. Chứng cứ cũng có thể để chứng minh ý nguyện của người đã khuất. Nên có một  bản viết tay bất kỳ, một lá thư của người đã khuất để giám định chữ viết khi cần. Ngoài di chúc, ý nguyện còn có thể thể hiện trong biên bản họp gia đình, thư tay, hay băng ghi âm... Hoặc chứng cứ chứng minh ai đó đã được chia tài sản, là người phụng dưỡng người đã khuất v.v...