BẦU KIÊN THẮNG 190 TỶ KHI ĐANG Ở TÙ – SỰ KHÔN NGOAN CỦA NGƯỜI BIẾT RÕ QUYỀN CỦA MÌNH

Cuối tháng 09/2017, Tòa Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh xử vụ tranh chấp. Nguyên đơn là ông Nguyễn Đức Kiên ( bầu Kiên ) và bà Hương, em ông. Hai người này thuộc phía công ty B & B. Bị đơn là công ty ACI. Thời kỳ 2009 – 2010, B & B ký 02 hợp đồng với ACI. Theo đó, ACI bán cho B & B cổ phiếu. B & B chấp nhận trả giá tương đương 190 tỷ đồng. Quá trình thực hiện, ACI nói đã nhận 101 tỷ. Năm 2014, tòa án xử tù ông Kiên 30 năm. Một trong các tội ông lĩnh là kinh doanh trái phép. Cụ thể: B & B không được phép kinh doanh tài chính nhưng vẫn kinh doanh. Trong đó, công ty đã mua cổ phiếu từ ACI. Việc này tòa phán là vô hiệu. Vì vậy, các bên phải hoàn những gì đã nhận. ACI hoàn tiền. B & B hoàn cổ phiếu.
BẦU KIÊN THẮNG 190 TỶ KHI ĐANG Ở TÙ

Vụ việc nghe khá đơn giản. Nguyên đơn trước khi kiện đã có cơ hội lớn thắng kiện. Vụ kiện chỉ là hiện thực hóa cơ hội đó. Vấn đề là ở chỗ: Ông Kiên đang ở tù. Một số báo điện tử còn đưa: Ông không được khỏe, phải ra ngoài trị bệnh. Ở Việt Nam, việc người nào đó bị tạm giam hay đi tù sẽ khiến việc làm ăn của họ đình đốn, thậm chí phá sản. Ví dụ: Bà cựu đại biểu Châu Thị Thu Nga có dự án là Housing Group xây nhà bán cho người mua đã trả tiền trước. Bà cho là cho thể tiếp tục dự án hoặc hoàn trả tiền cho ai đó muốn nhận lại. Tuy nhiên, tại tòa, bà nói là công an bắt giam bà quá sớm khiến việc đó không được thực hiện. Như vậy, pháp luật Việt Nam thể hiện sự nghiêm minh là trừng trị bà Nga. Giá của sự nghiêm minh là một ít quyền lợi vật chất của những người bỏ tiền tỷ mua nhà của bà Nga  không được bồi hoàn, dự án của bà không được tiếp tục. Nếu nó được tiếp tục, bà có thể có giấy phép xây dựng, có nhà giao cho người ta. Hoặc không thì bán lại dự án cho đại gia khác như thị trường vẫn thấy.

Quay lại vụ ông Kiên, có thể thấy: Hiến pháp Việt Nam đảm bảo các công dân có quyền với tài sản, có quyền tự do kinh doanh. Pháp luật về tạm giam hay thi hành án tù không cấm chuyện người bị giam cầm, tù tội có thể thực hiện các quyền tài sản của mình. Một trong số các quyền đó là quyền được yêu cầu tòa án giải quyết các tranh chấp liên quan tới tài sản. Lẽ nhiên, ông Kiên là người cương quyết cứng rắn. Các đồng nghiệp luật sư của chúng tôi đã bào chữa cho ông ấy đều cho rằng ông ấy là người mà thấy mình đúng thì bảo vệ đến cùng. Ông chỉ đạo cho các luật sư bào chữa những ý cần bảo vệ. Điều này không có nghĩa là ông Kiên không nghe lời tư vấn luật sư. Một đồng nghiệp của chúng tôi làm chứng rằng ông ấy là người mà trong hoạt động kinh doanh rất có ý thức sử dụng tư vấn luật sư.

Ông Kiên thì như vậy. Không phải ai cũng được như ông ấy. Bằng chứng là trong vụ án ngân hàng mà chúng tôi đã tham gia, nghe nói là một vị đứng đầu ngân hàng đó đã chấp nhận bản án tòa tuyên mà không kháng cáo. Trong khi về mặt tài sản thì vị này bị kê biên khá nhiều nhà cửa, cổ phiếu…

Từ vụ ông Kiên và các vụ khác nữa, chúng tôi xác định định hướng tác nghiệp: Khi trợ giúp cho người có việc ra tòa trong một phiên hình sự, ngoài việc tranh luận về tội danh, một luật sư nên quan tâm tới việc thực hiện các quyền dân sự của người mà anh ta/chị ta bảo vệ. Chúng tôi xác định tài sản của họ có gì, họ nợ ai, ai nợ họ, việc kinh doanh của họ thế nào, có thể ủy quyền quản lý tài sản cho ai, thậm chí nếu cần thì xin trại giam có thể cho phép họ điều hành một số hoạt động kinh doanh từ trong tù.

Nói chung, người có việc phải ra tòa ( trong vụ hình sự ) hay người thân của họ nên tính cả đến việc thực hiện các quyền dân sự, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh thế nào. Điều này không trái pháp luật. Mặt khác có thể là sự chuẩn bị một lợi ích vật chất nhất định cho ngày tự do của người trót dính lao lý.