BẠN CÓ LỢI KHI ĐỂ LUẬT SƯ THU THẬP CHỨNG CỨ

BẠN CÓ LỢI KHI ĐỂ LUẬT SƯ THU THẬP CHỨNG CỨ
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương –
Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01/03/2018, có bài “ Thông tin đất là bí mật cá nhân? “. Trường hợp được báo dẫn là: Bà M. và ông U. là hàng xóm. Bà M. cho rằng ông U. lấn chiếm đất. Bà đã kiện ra ủy ban xã. Xã hòa giải không thành, bà đâm đơn ra tòa án huyện.
Trong đơn, bà yêu cầu: 1.Xác định ranh giới đất hai nhà; 2. Trả lại đất lấn chiếm. Tòa có công văn hướng dẫn thủ tục cần có. Theo công văn, bà nên liên hệ với Văn phòng Đăng ký đất đai huyện xin thông tin diện tích, số thửa, tứ cận … đất của ông U.
Khi bà làm đơn theo hướng dẫn tòa án, cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai huyện trả lời: Không thể đáp ứng yêu cầu.
Việc Văn phòng Đăng ký đất đai không đáp ứng yêu cầu kiểu này không mới. Một vụ khác: Bà H. kiện đòi ly hôn, chia tài sản với ông T. Do ông T. giữ Sổ Đỏ, bà H. làm đơn yêu cầu xác nhận thông tin đất đai. Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai cũng không đáp ứng.
Lý do mà Văn phòng Đăng ký đất đai dựa vào là: Thông tin được yêu cầu là bí mật cá nhân không thể cung cấp.
Thật sự, khi đi kiện, người có việc ra tòa gặp quá nhiều trở ngại. Thu thập chứng cứ ủng hộ yêu cầu của mình là một trong số đó. Các chứng cứ tòa bắt phải có gồm: Chứng minh địa chỉ bị đơn, chứng minh thông tin đất đai, xác nhận thành viên trong dòng tộc, xác nhận thu nhập … Những điều này quá khó với người có việc ra tòa. Họ cơ bản là người lần đầu tới cửa cơ quan nhà nước. Việc không thu được chứng cứ cần thiết dẫn tới nhiều hệ lụy. Ai đó nói với họ rằng: Không có chứng cứ thì tòa không thể xử được. Kết quả là họ tự nguyện rút đơn khởi kiện. Điều này khiến người có việc ra tòa chán nản, mất niềm tin rằng có ngày công lý sẽ bênh vực mình. Cá nhân người viết bài đã chứng kiến nhiều vụ ly hôn do thiếu chứng cứ về tài sản, người vợ phải ngậm ngùi rút đơn. Mất 3, 4 năm đơn ly hôn vẫn chưa được thụ lý lại. Người vợ thậm chí có gia đình mới. Gia đình mới này không được pháp luật thừa nhận vì xét về lý, người vợ vẫn đang là “ vợ người ta “.
Tình trạng bế tắc này sẽ được giải quyết. Điều kiện để giải quyết là người có việc ra tòa nên thuê luật sư. Nếu trước đây luật sư cơ bản  ngồi đợi khách hàng mang hồ sơ đến, từ đó hình thành phương án bảo vệ thì hiện tại, luật sư đã phải tự đến, hoặc cùng khách hàng đến các cơ quan nhà nước để thu thập chứng cứ. Nếu không có sự hợp tác, luật sư dễ dàng buộc cán bộ nhà nước thay đổi xử sự. Ví như trường hợp Văn phòng Đăng ký đất đai nói trên, chỉ cần đơn khiếu nại lên thủ trưởng trực tiếp của cán bộ đó, là việc có chuyển biến.
Một điều nữa là nếu người có việc ra tòa thuê luật sư, trong những trường hợp thiếu chứng cứ, luật sư vẫn có thể có cách. Theo luật thì tòa không được từ chối vì lý do người dân không cung cấp đủ chứng cứ. Luật sư yêu cầu tòa thụ lý đơn với những chứng cứ có sẵn. Những chứng cứ khác chưa thể có vào thời điểm nộp đơn sẽ được cung cấp cho tòa. Làm như vậy, luật sư sẽ có thể yêu cầu chính tòa hỗ trợ thu thập chứng cứ.
Như vậy có thể thấy: Việc thu thập chứng cứ khiến người có việc ra tòa không thể thiếu luật sư.