ÁN LỆ ĐẦU TIÊN ĐÃ THẬT SỰ ĐÁP ỨNG MONG ĐỢI?
Ngày 06/04/2016, bằng Quyết định 220/QĐ-CA, Tòa án Tối cao đã công bố 06 án lệ được Hội đồng Thẩm phán thông qua. Đây là chuyển biến lớn trong nền tư pháp Việt Nam. Từ giờ trở đi, thay vì giở luật xem trường hợp của mình được giải quyết thế nào, người ta còn có một nguồn khác. Đó là các bản án được coi như khuôn mẫu để áp dụng.
Ở các nước, án lệ được dùng khi pháp luật không có quy định hoặc không có sự thống nhất trong cách hiểu một điều luật.
Ở Việt Nam, Tòa Tối cao, khi công bố án lệ, cũng mong muốn: Thống nhất cách hiểu một điều luật đang có nhiều cách hiểu.
Theo tinh thần này, trong 06 án lệ được Tòa Tối cao đưa ra, án lệ số 01: Đồng Xuân Phương thuê Hoàng Ngọc Mạnh giết người đã đưa ra cách hiểu về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Án lệ nêu tình huống Phương chỉ muốn Mạnh đâm vào tay và chân người bị hại để “ dằn mặt “. Không ngờ, nhát dao đâm vào đùi sau nạn nhân khiến nạn nhân chết.
Thật ra, cách hiểu thế nào là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người đã được giảng cho sinh viên luật ngay từ trên giảng đường. Giáo viên luật cho rằng đây là trường hợp “ cố ý về hành vi “: chủ động thực hiện hành vi vì mục đích để lại nào đó cho nạn nhân, nhưng “ vô ý về hậu quả “: hậu quả xảy ra không nằm trong dự đoán của kẻ phạm tội. Ví dụ tương tự như án lệ của Tòa Tối cao cũng từng được nêu ra trên các giảng đường.
Một vấn đề tưởng chừng như đã được giải quyết, không hiểu tại sao vẫn cứ có ý kiến khác nhau trong các thẩm phán đến mức Tòa Tối cao lại phải ra án lệ.
Tuy nhiên, vấn đề của án lệ là việc chọn vụ án để giải quyết từ đó ban bố án lệ quá khác thường. Người đọc án lệ được biết: Trong vụ án, kẻ trực tiếp ra tay ( Hoàng Ngọc Mạnh ) đang bỏ trốn chưa bắt được. Do vậy, chắc gì khép tội “ cố ý gây thương tích dẫn đến chết người “ đã đúng?. Nhỡ sau này bắt được kẻ thủ ác, gã khai là gã biết đâm vào vị trí đó ( sau đùi ) có thể khiến nạn nhân chết nhưng gã vẫn cứ đâm, thì sao? Hoặc gã khai ai đó đâm không phải gã? Trong trường hợp đó, bản án được dùng nghiên cứu ban bố án lệ bị hủy, thì số phận án lệ sẽ thế nào? Nói khác đi, nếu hủy án là việc vẫn xảy ra ở Việt Nam, vậy nhỡ án lệ sai, có thể có việc hủy án lệ không?
Nói chung, án lệ vẫn cứ là một điều tốt. Nó khiến cho pháp luật đa dạng hơn và thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư, người học luật … có nhiều việc để làm.