TRANH TỤNG HÌNH SỰ: TỪ VỤ HỒ DUY HẢI VÀ LƯƠNG HỮU PHƯỚC, CÁCH DUY NHẤT TRÁNH OAN

TRANH TỤNG HÌNH SỰ: TỪ VỤ HỒ DUY HẢI VÀ LƯƠNG HỮU PHƯỚC, MỘT CÁCH DUY NHẤT TRÁNH OAN SAI
-Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
Sân tòa nơi Lương Hữu Phước chọn quyên sinh. Cách để tòa kết tội không được dễ dàng đó là thuê luật sư minh oan
Sân tòa nơi Lương Hữu Phước chọn quyên sinh. Cách để tòa kết tội không được dễ dàng đó là thuê luật sư minh oan
     Bạn nổi giận, thất vọng, cay đắng, cám cảnh trước các thông tin về Hồ Duy Hải và Lương Hữu Phước.
     Thực sự, các yếu tố tích cực trong ngành tư pháp đã đang chiếm ưu thế. Người viết bài có thâm niên hành nghề hơn 20 năm. Người viết khẳng định hiện tại, tòa án đạt trình độ xét xử mới, cho phép loại trừ tối đa oan sai. 20 năm trước, người viết chính thức hành nghề luật sư khoảng 01 năm. Cả Đoàn luật sư Hà Nội chung một trụ sở. Một hôm đến trụ sở, người viết thấy một người đàn ông gày gò đang nói chuyện với luật sư đồng nghiệp. Nghe loáng thoáng thì vợ ông từ Sơn La xuống Bệnh viện K khám. Đến cổng bệnh viện, có một người đàn bà chạy ra nói rằng vợ ông vay tiền bà ta không trả. Vậy mà tòa Hoàn Kiếm vẫn xử 04 tháng tù giam. Giờ thì ít ra ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, không nghe nói có những vụ kiểu vậy. 
     Quay lại hai vụ Hồ Duy Hải và Lương Hữu Phước. Hồ Duy Hải là nạn nhân oan sai. Ở đây, oan sai hiểu theo nghĩa là cơ quan pháp luật không thể chứng minh anh ta phạm tội mà vẫn tuyên anh ta phải chết. Còn Lương Hữu Phước thì việc vận dụng pháp luật kiểu hình thức, cứ tai nạn giao thông là ai cũng phải có lỗi, khiến anh ta chọn chết cảnh tỉnh quan tòa.
     Những vụ này chẳng làm ai trong xã hội chúng ta vui vẻ. Buồn hơn cả là các vị luật sư. Hồ Duy Hải có hai luật sư. Một người từng là điều tra viên. Vị này cho rằng Hải có tội nên không kêu oan cho anh. Thực sự thì mỗi một luật sư có cách tiếp cận vụ việc. Vị luật sư này cũng vậy. Ai đó cho rằng vị này không làm tròn trách nhiệm, làm hoen ố hình ảnh luật sư và đó là điều đáng buồn cho giới luật sư. Nên nhớ Hải còn vị luật sư nữa. Anh này làm tốt việc bào chữa, từ đầu đến cuối khẳng định không thể kết tội Hải. Với một vụ có hai luật sư, người viết thường bàn với luật sư kia, người thì khẳng định không thể kết tội được thân chủ, kẻ thì cho rằng nếu kết tội được thì nên giảm nhẹ cho thân chủ. Với Hải, luật sư, kể cả không bàn bạc với nhau, làm theo đúng cách này. Lọt sàng xuống nia. Người viết cho rằng bào chữa như vậy là hợp lý. Lẽ nhiên, sau vụ này các luật sư người viết gặp đều lo lắng cho nghề nghiệp mình theo đuổi. Họ chỉ có thể được thuê nếu trong một vụ hình sự, họ nỗ lực mang lại nhiều tự do nhất cho thân chủ, bằng cách thân chủ được tuyên vô tội hoặc được giảm nhẹ. Điều này, với kiểu xét xử hiện nay, là không hề dễ.
     Vụ Lương Hữu Phước khác với Hồ Duy Hải ở chỗ, ngay từ đầu, luật sư đã khẳng định không thể kết tội Phước. Phước chở một người trên xe máy. Khi chuyển làn thì bị xe máy của người khác nữa tông phải. Người này uống rượu, không có bằng lái xe, nhiều khả năng chạy tốc độ cao. Cú tông khiến người ngồi sau xe máy của Phước chết. Luật sư của Phước cho rằng điều tra quá thiếu sót, không xác định được tốc độ xe của người đâm, không xác định được xe của Phước bật xi nhan chưa. Đặc biệt là cách xử lý hơi lạ: Người đâm xe chỉ bị phạt hành chính, người bị đâm lại bị xử lý hình sự. Quá bất bình, Phước tìm đến trụ sở tòa nơi đã tuyên anh đi tù 03 năm lúc sáng nhảy từ tầng hai và chết. Anh chết trong khi luật sư của anh quyết tâm làm kháng nghị kêu oan cho anh.
     Tạm gác kết quả với Hải và Phước lại, có thể thấy: Trong cả hai vụ, đều có các luật sư chiến đấu hết mình vì thân chủ. Điều này chắc chắn khiến quá trình kết tội hai người không hề dễ dàng. Với Hải, dù cả sơ thẩm, phúc thẩm tuyên anh có tội, thì tại Văn phòng Chủ tịch nước, người ta cũng không để anh chết. Có lẽ chưa có vụ nào ở Việt Nam, xử giám đốc thẩm lại mời cả luật sư vào trình bày ý kiến. Và dù có đủ 17 cánh tay của các thẩm phán cấp cao giơ lên khẳng định anh có tội đi nữa, thì dư luận cũng đang dậy sóng. Chắc gì vụ việc của Hải lại không được xem xét lại lần nữa?
     Với Phước, anh có chết đi nữa thì vụ việc của anh chưa khép lại. Hồ sơ được chuyển lên trên xem xét. Luật sư của anh đã làm tốt, và hẳn sẽ làm tốt việc này. Anh chắc chắn đã cảnh tỉnh tòa án. Cái chết hẳn khiến áp lực với tòa án gia tăng. Tòa hẳn nên độc lập hơn nữa mới khẳng định vai trò của mình. Thực sự chẳng cần che chắn mãi cho điều tra viên, kiểm sát viên kiểu cứ khởi tố là có tội, cứ ra tòa là có án. Cứ nên tuyên vô tội nếu thấy không đủ căn cứ buộc tội. Rồi nữa, người viết tin vào lòng trắc ẩn sẵn có trong con người ta, trong các vị thẩm phán.       Với một số vụ việc không to tát gì như vụ của Lương Hữu Phước, đáng làm thì làm, tha được thì tha.
     Hải và Phước hẳn thuộc những người bị oan, hoặc chịu sự hành xử thái quá như trường hợp của Phước. Để tránh oan sai, từ hai vụ trên, người viết vẫn cho rằng nên có luật sư trong mọi vụ án. Cứ từ vụ Hải và Phước thì thấy luật sư đã làm được quá nhiều việc để ngăn chặn kết tội. Nói chung, khi có luật sư, người ta có thể chiến đấu tại các tòa án ra trò.
     Và đó là giá trị rõ ràng nhất.