HÔN NHÂN: CÁCH ĐƠN GIẢN LY HÔN VỚI NGƯỜI TRONG TRẠI GIAM

HÔN NHÂN: CÁCH ĐƠN GIẢN LY HÔN VỚI NGƯỜI TRONG TRẠI GIAM
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Cần nói chuyện trước và đề nghị tòa trợ giúp để ly hôn với người trong trại giam
    Cần nói chuyện trước và đề nghị tòa trợ giúp để ly hôn với người trong trại giam
          Trong hôn nhân, thực tế là sai lầm của một người có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới người kia, tới cả cuộc hôn nhân. Một người phạm pháp và phải sống trong  trại giam chẳng hạn. Dù không muốn, nhưng người còn lại vẫn phải nghĩ đến việc có nên tự giải phóng cho mình không? Nếu câu trả lời là nên, cách làm như thế nào?
          Việc không rõ làm thế nào, như người viết biết trong nhiều trường hợp, dẫn đến sự ngại ngần, trì hoãn, lỡ dở. Thực sự không tốt cho cả hai.
          Vậy, ly hôn với người đang thi hành án phạt tù nên tiến hành thế nào?
          Quy định của luật ( Điều 51 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 ) là: Vợ, chồng hay cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.
          Hai dạng ly hôn được quy định trong luật là ly hôn đồng thuận và ly hôn đơn phương. Ly hôn đồng thuận, còn gọi là thuận tình ly hôn, được quy định tại điều 55 Luật Hôn nhân Gia đình 2014: Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn.
          Ly hôn đơn phương, hay còn gọi là ly hôn theo yêu cầu một bên, được quy định tại điều 56 Luật Hôn nhân Gia đình 2014: Khi một bên, vợ hoặc chồng, yêu cầu ly hôn, Tòa có thể giải quyết cho ly hôn nếu thấy  vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
          Như vậy, với trường hợp ly hôn với người chấp hành án phạt tù, có thể chọn một trong hai dạng đó: Ly hôn đơn phương hay ly hôn đồng thuận.
          Chọn dạng nào thì vợ chồng cũng phải nói chuyện với nhau. Đặt vấn đề ly hôn thẳng thắn. Nên hướng đến ly hôn đồng thuận. Nếu người trong trại giam đồng ý ly hôn, người bên ngoài nên làm đơn ra tòa. Trình bày với tòa và đề nghị trợ giúp. Tòa án sẽ trực tiếp xuống trại giam làm việc và việc ly hôn sẽ được giải quyết nhanh chóng đúng quy định.
          Trong trường hợp người trong trại giam không đồng ý thì cũng nên trình bày với tòa và đề nghị trợ giúp. Tòa cũng sẽ lại xuống trại giam. Biên bản làm việc với người trong trại giam được lập. Ngay cả khi người trong trại giam không đồng ý, thì vì “ hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được “, việc ly hôn vẫn có thể diễn ra. Nói chung để mọi việc đơn giản nhanh chóng, khi ly hôn chỉ nên đưa ra yêu cầu chấm dứt tình cảm, chuyện tài sản, con cái gác lại.
          Tóm lại, các bước ly hôn với người đang chấp hành hình phạt tù là:
-Nói chuyện với người trong trại giam về việc ly hôn đồng thuận.
-Hoàn thành các thủ tục tòa bắt buộc trong vụ ly hôn: Làm đơn, nộp xác nhận đăng ký kết hôn, giấy khai sinh con…
-Trình bày sự việc, đề nghị tòa án giúp đỡ.
          Việc ly hôn, cũng như mọi việc phải ra tòa khác, chỉ trơn tru hơn nếu có luật sư trợ giúp.