TRANH TỤNG LAO ĐỘNG – DÂN SỰ - THƯƠNG MẠI: KHÔNG LÀM CHO ĐỐI THỦ – BẪY CHO VIP VÀ CÁCH THOÁT

TRANH TỤNG LAO ĐỘNG – DÂN SỰ - THƯƠNG MẠI: KHÔNG LÀM CHO ĐỐI THỦ – BẪY CHO VIP VÀ CÁCH THOÁT
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương. Bài có tính tham khảo, không phải lời tư vấn chính thức –
     Người viết tạm chia người làm thuê thành loại thường và loại VIP.
     Loại thường làm những việc thường: Bốc vác, đứng máy, may… Loại VIP làm những việc khó đòi hỏi trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm. Ví dụ: Tổng công trình sư, bếp trưởng, tiền đạo sao…với lương cao khủng khiếp. Có thể hàng trăm triệu/tháng.
     Với VIP thì hợp đồng lao động thường chặt chẽ. Trong đó có điều khoản bảo mật thông tin. Ông chủ cho rằng VIP  khi làm cho mình nắm được nhiều bí mật nên đặt điều khoản: Sau khi thôi làm cho mình một thời gian ( thường 1 – 3 năm ), VIP không được làm cho đối thủ cùng ngành nghề.
     Gần đây, Tòa án tp Hồ Chí Minh xử vụ liên quan. Bà Tr. được tuyển chân trưởng tuyển dụng. Công ty bà làm – Recess – yêu cầu bà sau khi hết hợp đồng không được làm cho đối thủ việc tương tự. Vi phạm phải bồi thường. Sau, bà Tr. làm cho đối thủ với việc tương tự. Recess kiện, đầu tiên tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam ( VIACC ). Vụ việc sau qua tòa tp Hồ Chí Minh. Tòa tuyên bà Tr. bồi thường hơn 200 triệu đồng vì phạm thỏa thuận bảo mật.
Lý do tòa tuyên vậy vì cho rằng:
  • Đây là quan hệ thương mại.
  • Bà Tr. và ông chủ đồng thuận, tự nguyện, không bị ép, lừa.
     Bà Tr. thua. Thật tiếc! Tuy vậy, các VIP khác, ràng buộc bởi thỏa thuận bảo mật, vẫn nên thử làm như bà ấy. Nếu đối diện với kiện cáo, cơ hội thắng không phải không có. Lý do:
  • Thỏa thuận bảo mật dần được các ông chủ lớn xài như mốt. Nó làm các ông chủ oai hơn. Họ hút được VIP, làm khó đối thủ. Thực sự không phải vị trí làm nào cũng cần bảo mật. Với một chuyên gia hóa dược hay một kỹ thuật viên, thỏa thuận là cần thiết. Đa số các vị trí khác thì không. Ở Nhật, thực tiễn xử đã bác giá trị thỏa thuận bảo mật đối với những vị trí không cần bảo mật. Với vụ sau bà Tr., luật sư của VIP đơn giản là chứng minh vị trí VIP làm không cần bảo mật.
  • Ông chủ hay quên việc trả chi phí cơ hội tương xứng. VIP có thể chấp nhận không làm việc cho đối thủ. Đáng ra trong thời gian này, chủ cũ nên trả một khoản tương xứng cho VIP để sinh sống. Một vụ người viết bài làm cho, một nữ kiến trúc sư  phải chấp nhận thỏa thuận bảo mật. Tuy nhiên ông chủ - đứng đầu một tập đoàn xây dựng khét tiếng - lại không trả tiền cho thời gian không làm cho đối thủ. Kiện cáo lùm xùm. Cuối cùng thỏa thuận bảo mật cũng không được ông chủ cũ nại ra tại tòa.
     Nói chung ra tòa bút sa chưa hẳn gà chết. Thỏa thuận bảo mật, đúng là khi ký không ai bị ép, nhưng sự đúng này có tính hình thức. Thỏa thuận bảo mật vẫn có thể bị bác nếu có luật sư nại đúng vấn đề có tính nội dung của nó như nói trên.